Sáng 16/12 tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ vinh danh “Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam” đạt giải thưởng xóa mù chữ quốc tế của UNESCO.

Trước đó, tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày quốc tế xóa mù chữ 09/9/2016, UNESCO đã chính thức trao Giải thưởng Xóa mù chữ quốc tế cho chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam”. Đây là sáng kiến nhân văn, hiệu quả huy động nguồn lực xã hội xây dựng thư viện ở các vùng nông thôn khó khăn để giúp những người biết chữ rèn luyện khả năng đọc, giúp đỡ cộng đồng học tập… được UNESCO đánh giá cao. Việc trao giải thưởng này với mong muốn ý tưởng sẽ đóng góp vào kinh nghiệm chung của các nước trên thế giới trong việc xóa nạn mù chữ, thúc đẩy học tập.

Phát biểu tại Lễ vinh danh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo- Phạm Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy sự ra đời của hơn 9.000 tủ sách lớp học (tủ sách phụ huynh), tủ sách dòng họ và tủ sách cộng đồng trên cả nước.  Chính vì vậy, Bộ GDĐT đã lựa chọn và đề cử Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam tham gia giải thưởng Xóa mù chữ Quốc tế của UNESCO năm 2016. Chương trình đạt giải đã chứng minh lựa chọn chính xác và thành công của Bộ GDĐT, đồng thời là sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xuất sắc trong việc thúc đẩy xóa mù chữ và học tập suốt đời của Việt Nam với tri thức nhân loại.

Lễ vinh danh Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam - ảnh 1Ông Nguyễn Quang Thạch và các cộng sự đắc lực trong chương trình “Sách hóa nông thôn”

Chia sẻ những kết quả bước đầu của Chương trình Sách hóa nông thôn, ông Nguyễn Quang Thạch – người khởi xướng và bền bỉ với chương trình “Sách hóa nông thôn”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng cho biết: Năm 2010 và năm 2013, khảo sát 16 trường học và 3 xã của huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy của tỉnh Thái Bình thì việc đọc sách ngoài sách giáo khoa của học sinh dao động 0,4 -2 cuốn sách/năm. Tại một trường học (Quỳnh Phụ, Thái Bình) trung bình mỗi học sinh chỉ mượn 0,4 cuốn sách từ thư viện nhà trường/năm học. Và nhờ có “Sách hóa nông thôn”, chỉ sau một năm 2011, bình quân mỗi học sinh của trường THCS An Dục đã đọc 10 đầu sách/năm học. Đến nay, nhiều học sinh đã đọc sách như một thói quen.

Không những thế, mô hình này còn được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… các thành viên đã phát triển hệ thống tủ sách đến hơn 12.000 lớp học, đến các dòng họ, các gia đình chiến sĩ, và hơn nửa triệu cư dân nông thôn, đặc biệt là học sinh tiếp cận tối thiểu 50 đầu sách/năm. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 15 triệu trẻ em nông thôn Việt Nam đang thiếu sách trầm trọng- ông Thạch chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Thạch cũng cam kết sẽ “Tiếp tục hành động và dâng hiến cuộc đời này góp phần giúp tất cả trẻ em nông thôn Việt Nam được nghe và đọc sách như trẻ em Đức, Anh, Singapore”.

Tin, ảnh: Hà Anh

Từ khóa : Chương trình Sách hóa nông thônHải Dươnghưng yênNam ĐịnhNghệ AnThanh HóaUNESCOVĩnh Phúc

Các tin liên quan đến bài viết