Ngày 26/12, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chăn nuôi, cơ sở giết mổ, gia súc gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, định hướng phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phát huy về vị trí, đất đai, khí hậu hình thành các khu vực chăn nuôi tập trung cung cấp thực phẩm cho các đô thị, khu công nghiệp và xuất khẩu trên cơ sở các chuỗi liên kết khép kín, chuỗi sản phẩm chăn nuôi an toàn từ sản xuất đến tiêu dụng. Mặt khác, sắp xếp chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn, chăn nuôi theo chuôi liên kết. Tỉ lệ chăn nuôi tập trung an toàn đạt 98% tổng đàn, 75% trang trại chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao, 100% trang trại đảm bảo an toàn không phát sinh dịch bệnh, an toàn về môi trường.
![]() |
Mô hình nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao tại Tập đoàn Hùng Nhơn, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước |
Mục tiêu hướng đến, giá trị ngành sản xuất chăn nuôi đạt 15% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2020, 20% năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2020, tổng đàn lợn đạt 800.000 con, tổng đàn gia cầm 9 triệu con, tổng đàn trâu bò 45.000 con. Đến năm 2030, tổng đàn lợn đạt 1 triệu con, duy trì đàn gia cầm 9 triệu con và đàn trâu bò 45.000 con.
Quyết định cũng đưa ra vùng cấm chăn nuôi tập trung, bao gồm các phường, xã thuộc thị xã, các trung tâm thị trấn, khu trung tâm hành chính xã và các công trình hạ tầng xã hội tại điểm dân cư nông thôn, các khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch sinh thái, di tích lịch sử, công trình công cộng, hành lang bảo vệ thủy lợi, thủy điện, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Về cơ sở giết mổ tập trung, gồm 33 cơ sở giết mổ gia súc và 11 cơ sở giết mổ gia cầm, được rải đều các huyện, thị xã.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, được xây dựng cơ sở giết mổ theo dự án chuỗi cung ứng sản phẩm từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ.
![]() |
Mô hình nuôi gà thịt công nghệ cao tại Tập đoàn Hùng Nhơn, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước |
Tại vùng chăn nuôi tập trung, doanh nghiệp được đầu tư dự án cơ sở giết mổ công nghiệp công suất từ 500 con gia súc trở lên/ngày đêm hoặc 5.000 con gia cầm trở lên/ngày đêm và hoạt động theo quy mô giết mổ của dự án được UBND tỉnh phê duyệt.
Định hướng đến năm 2030, duy trì hệ thống cơ sở giết mổ đã có, trường hợp địa phương nào có nhu cầu giết mổ tăng cao thì thực hiện nâng cấp hoặc xây mới cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp.
Các giải pháp thực hiện, đáng chú ý quyết định đưa ra giải pháp về khoa học – công nghệ trong chăn nuôi. Đó là tiến hành xây dựng và phổ biến các mô hình nông nghiệp ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ. Khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tái sử dụng nước thải để phục vụ chăn nuôi, hạn chế sử dụng nước ngầm. Dành một khoản kinh phí hàng năm cho nghiên cứu (thực hiện các đề tài nghiên cứu) trong chương trình ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức tiếp nhận việc chuyển giao một số công nghệ cao từ nước ngoài phù hợp nếu có.
Nguồn khoahocthoidai.vn