Thí sinh ôn bài trước giờ thi môn lý tại hội đồng thi ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) |
“Điểm sàn” – điều kiện cần để thí sinh có thể tham gia xét tuyển ĐH được Bộ GD-ĐT cố gắng duy trì nhiều năm qua – đã bất ngờ được xóa bỏ hoàn toàn trong dự thảo quy chế này.
Không còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào
Ngày 15-12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm 2016 bộ đã bỏ “điểm sàn” trong tuyển sinh hệ CĐ, và năm 2017 dự kiến cũng sẽ bỏ “điểm sàn” trong tuyển sinh ĐH. Theo đó, điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định. Trong khi việc quản lý quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra ở nhiều trường ĐH vẫn đang còn gây nhiều bức xúc, thì liệu việc thả lỏng đầu vào ở thời điểm này có phù hợp? Sự thay đổi này có làm cho chuyện vào ĐH quá dễ dàng và hệ lụy sau đó là một thế hệ đầu ra ĐH không đạt chuẩn, gây khó gây khổ cho đơn vị sử dụng lao động hay không? Đáp lại băn khoăn này, ông Ga cho rằng thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường để học, chứ không phải chỉ cốt đậu vào bất kỳ trường ĐH nào. Mặt khác, năm nay bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ còn tập trung vào đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo, cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. “Việc đặt ra điểm sàn thực ra là vô nghĩa với các trường có điểm chuẩn cao, thường chênh 5-7 điểm so với điểm sàn. Còn nếu trường cố hạ điểm chuẩn xuống thấp, sẽ chỉ làm uy tín của trường bị giảm sút, càng khiến cho thí sinh quay lưng. Hai năm nay, bộ đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT, nhưng các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này” – ông Ga phân tích. Bộ GD-ĐT cho rằng mỗi trường có đặc thù riêng, mục tiêu riêng, nên việc đặt ra ngưỡng “đầu vào” cũng rất khác nhau. Vì vậy, việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Không giới hạn số nguyện vọng xét tuyểnTrong nhiều năm tuyển sinh, từ thời kỳ “ba chung” cho đến khi tổ chức các kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây, Bộ GD-ĐT luôn đưa ra quy định giới hạn số nguyện vọng đăng ký, số trường đăng ký tùy theo đợt tuyển sinh. Tuy nhiên, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2017 đã “phá lệ”, cho phép thí sinh có thể lựa chọn thoải mái số lượng nguyện vọng khi tham gia xét tuyển. Điều này có nghĩa là thí sinh không chỉ được đăng ký một vài nguyện vọng như trước, mà có thể cùng lúc đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành, trường khác nhau. Liệu thí sinh có nên tận dụng tối đa nguyện vọng được phép đăng ký để tăng cơ hội trúng tuyển? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – cho rằng thí sinh dù được đăng ký nguyện vọng không giới hạn nhưng thực chất trong đợt xét tuyển chính, mỗi em chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. “Khi hệ thống đã xác định được nguyện vọng trúng tuyển rồi thì lập tức những nguyện vọng còn lại sẽ bị xóa. Nếu không cân nhắc kỹ, thí sinh rất dễ sẽ trúng tuyển vào trường, ngành không yêu thích. Năm nay, sau khi có kết quả thi, thí sinh còn được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký, nên các em cần suy nghĩ thật kỹ khi chọn trường, ngành mình yêu thích nhất để đăng ký nguyện vọng phù hợp” – bà Phụng khuyến cáo. Thêm công cụ hỗ trợ “lọc ảo”Theo dự thảo, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, và việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Ở đợt 1, đối với các trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển một nguyện vọng ở thứ tự đăng ký cao nhất. Vậy các trường sẽ đối phó thế nào với tỉ lệ ảo gia tăng mạnh mẽ khi số nguyện vọng xét tuyển không còn bị giới hạn? “Đúng là đương nhiên các trường không thể biết được thí sinh trong danh sách trúng tuyển vào trường mình còn trúng tuyển vào những trường nào khác, với nguyện vọng như thế nào nếu các trường chỉ sử dụng cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký vào trường mình. Để giúp các trường loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh trúng tuyển vào nhiều trường, bộ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường thực hiện động tác thống kê nguyện vọng của thí sinh, lọc ra danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức” – ông Ga nói. Sau khi dự kiến điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển, trường sẽ nhập lên cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển, để hệ thống tự động lọc ảo; nếu thí sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng, hệ thống sẽ tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp đi. Các trường có thể điều chỉnh điểm trúng tuyển nhiều lần trong thời gian quy định, để có được danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: thực hiện quy trình tuyển sinh theo cơ sở dữ liệu chung hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. “Quyền tự chủ tuyển sinh phụ thuộc vào ai là người quyết định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển. Hai việc này hoàn toàn do các trường quyết định. Bộ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh, cung cấp thông tin và công cụ thống kê tự động để hỗ trợ cho các trường thực hiện đúng quy chế tuyển sinh” – ông Ga nói. Cũng theo ông Ga, các trường có thể dùng phần mềm riêng, nhưng phải tuân thủ tuyệt đối việc đảm bảo nguyên tắc: trong xét tuyển đợt 1, thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Năm 2017 dự thảo cho thí sinh thực hiện đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi; nhưng sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định. Việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến, với tài khoản và mã số thí sinh đã được hệ thống cung cấp khi đăng ký dự thi. |
Nguồn: tuoitre.vn