Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải mua đắt, bán rẻ, cộng thêm nhiều yếu tố đầu vào của điện còn bất hợp lý… đang tạo áp lực làm tăng giá điện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam – thành viên của tổ công tác thẩm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, phân tích:
– Chính phủ đã khẳng định giá điện phải được điều chỉnh theo biến động đầu vào, nhưng do tình hình kinh tế – xã hội nên những năm qua giá điện được khống chế. Giữ càng lâu mức chênh lệch càng lớn, tạo sức ép thay đổi giá càng cao.
* Vấn đề là giá một số loại hàng hóa cấu thành giá điện hiện chưa thực sự theo quy luật thị trường, thưa ông?
– Đúng là còn yếu tố không thể quyết định theo thị trường, ngành điện không khống chế được mà phụ thuộc vào chính sách vĩ mô của Nhà nước. Như vừa qua, để giải quyết tồn kho cho ngành than, ngành điện được chỉ đạo phải mua than trong nước với giá nhiều trường hợp cao hơn giá than nhập khẩu. Điều này chắc chắn làm giá thành tăng lên.
Nếu theo thị trường đúng nghĩa, có những ngành, doanh nghiệp phải phá sản, thua lỗ, kéo theo các vấn đề kinh tế – xã hội khác. Nên có thời điểm chính sách vĩ mô phải can thiệp, để cân bằng lợi ích các bên. Nói cho cùng thì mọi thứ sẽ đổ vào người tiêu dùng. Nhà nước sẽ tính toán đảm bảo các cân đối chung.
* Hiện dân mua điện sinh hoạt phải trả theo giá lũy tiến 6 bậc, trong đó 4/6 bậc giá cao hơn giá bán lẻ bình quân. Trong khi có ý kiến cho rằng ngành thép, ximăng… lại hưởng giá bán thấp hơn giá thành?
– Giá điện công nghiệp thấp hơn giá điện sinh hoạt và dịch vụ là xu thế chung vì nước nào cũng muốn sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh cao. Nhưng chúng tôi đã từng đưa ra kiến nghị: một số ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, không thúc đẩy công nghiệp trong nước thì phải xem lại và kiểm soát chặt chẽ.
Mặc dù Nhà nước đã có chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng hiệu quả, đưa ra yêu cầu định mức tiêu hao năng lượng, dán nhãn năng lượng để kiểm tra hiệu suất… nhưng vẫn cần được kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ hơn.
Nếu không, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì một số doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào đầu tư sắt thép để tận dụng chính sách ưu đãi và đưa đi xuất khẩu, không phục vụ nhiều cho phát triển của Việt Nam, trong khi có thể gây ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên.
* Thị trường điện cạnh tranh đã bắt đầu vận hành được 5 năm, người tiêu dùng kỳ vọng có nguồn điện giá thấp. Vấn đề là phải vận hành thị trường đúng nghĩa?
– Đúng là thị trường của ta chưa hoàn chỉnh, chưa “làm đến nơi đến chốn” và có nhiều điểm thực chất chưa phản ánh đúng quy luật thị trường. Những vấn đề như cấu trúc thị trường, ai tham gia, điều hành ra sao… vẫn đang còn phải tiếp tục hoàn thiện.
Ví dụ đã có ba tổng công ty phát điện (GENCO) nhưng quy chế hoạt động, tương tác giữa các công ty, giữa các nhà máy điện với tổng công ty phát điện chưa rõ ràng, chưa hoàn toàn đáp ứng 100% tinh thần của thị trường phát điện cạnh tranh.
Can thiệp vào thị trường là không phù hợp, như việc tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh vừa qua. Hay có những nhà máy chào giá rẻ nhưng lại không được huy động hoặc chỉ được huy động ở mức độ nhất định, không theo nguyên tắc chào giá thấp được ưu tiên.
Có thể do ràng buộc kỹ thuật hoặc các yếu tố khác, như nếu cho phát hết công suất của các nhà máy giá rẻ có thể dẫn tới đường dây và trạm biến áp quá tải.
Nhưng tôi nhấn mạnh là dù ở trường hợp nào, việc can thiệp vào thị trường đều là đi ngược lại tinh thần thị trường điện cạnh tranh và cần phải hạn chế.
* Nhiều người nói thị trường chưa thực sự cạnh tranh, giá điện chỉ tăng mà chưa giảm có liên quan đến yếu tố “độc quyền” của EVN. Ông nghĩ sao?
– Trên thực tế, không ai cấm đầu tư vào ngành điện, đặc biệt là khâu phát điện. Thậm chí như vừa qua còn có chính sách giá thu hút đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, hô hào các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân tham gia.
Còn với khâu truyền tải, theo quy định thì đây là lĩnh vực độc quyền nhà nước, do truyền tải là xương sống của toàn bộ lưới điện quốc gia, liên quan đến an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu hay cổ phần hóa doanh nghiệp để phục vụ thị trường cạnh tranh cũng quan trọng. Việc này nhiều năm nay hô hào nhưng thực hiện chậm chạp. Cần áp đặt kế hoạch bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện.
Đơn cử như khâu phân phối điện, nhân viên thu tiền điện… chiếm tỉ lệ khá đông ở các tổng công ty, dù họ có tham gia làm việc khác. Giảm hệ thống này phụ thuộc vào việc đầu tư hệ thống đo đếm, xây dựng hạ tầng… Hay vấn đề phải nâng cao hơn nữa năng suất lao động vì khâu thủ công còn quá nhiều… Đó là những bài toán cần giải quyết.
Nguồn: tuoitre.vn