Chưa có hạ tầng hoặc chưa đền bù giải tỏa nhưng Công ty CP Địa ốc Alibaba vẫn tự ý phân lô bán nền dựa trên nhiều chiêu trò và cung cấp thông tin sai sự thật.
Ngày 26-11, Công ty CP Địa ốc Alibaba mở bán dự án Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu và nhận đặt cọc giữ chỗ đối với dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Bất chấp những cảnh báo của các cơ quan chức năng, khách hàng vẫn “đổ tiền” vào các dự án của địa ốc Alibaba.
Theo thông tin từ phía công ty, chỉ sau hai ngày mở bán, đã có gần 650 nền được đặt cọc thành công trong hơn 860 nền tại dự án Alibaba Tân Thành.
Lao vào mua “đất vẽ”
Tham dự lễ mở bán, chị Nga (ngụ Củ Chi) đã chi ngay 200 triệu đồng mua bốn nền tại dự án Tân Thành. Chị chia sẻ: “Gia đình tôi buôn bán nhỏ, tích góp được khoảng vài trăm triệu, muốn đầu tư để sinh lời chứ cất tiền trong két thì lại lo trượt giá… Trong khi đó, đầu tư vào những dự án của địa ốc Alibaba chỉ đặt cọc 30-60 triệu đồng/nền. Một năm sau, nếu không mua nữa thì vừa được nhận lại cọc đồng thời được hưởng thêm lãi suất 28%/năm. Đây là mức lợi nhuận không tưởng đối với những nhà đầu tư nhỏ như chúng tôi”.
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Khánh (ngụ quận 9; mua hai nền) cho biết: “Đầu năm vừa qua, quận 9 có cơn sốt đất nền và mình đã có “cơ hội vàng” mà mình đã bỏ qua. Vì vậy, khi biết địa ốc Alibaba mở bán dự án mà chỉ phải đặt cọc khoảng 50 triệu đồng/nền rồi ngồi chờ tiền “chảy” vào túi thì ai mà không ham. Đất thì không nở ra mà người thì càng ngày càng nhiều nên kiểu gì đất nền cũng tăng giá. Tôi biết việc đầu tư này có rủi ro nhưng nếu không liều thì sao có thể ăn nhiều được. Có điều là tôi cũng chỉ dám liều 100 triệu đồng chứ không dám mạo hiểm nhiều hơn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vòng một năm nay Công ty Địa ốc Alibaba mở bán hàng loạt dự án nhưng chỉ chuyên vào đúng phân khúc duy nhất là đất nền vùng ven tại nhiều tỉnh/thành với cam kết mang lại lợi nhuận tới 28%/năm cho khách hàng mua đầu tư. Hầu hết dự án ở đây vẫn còn là đất nông nghiệp nhưng Công ty Alibaba tự vẽ bản đồ quy hoạch, phân lô bán nền, thu của khách hàng đến 95% giá trị hợp đồng, 5% còn lại khi nào nhận sổ đỏ sẽ thanh toán hết.
Hàng trăm người lao vào đặt cọc giữ chỗ mua đất nền dự án ở Long Thành. Ảnh: T.LINH
Tại TP.HCM, công ty này cũng chào mời khách hàng mua đất nền tại dự án Tây Bắc Củ Chi. Trong khi chưa giải tỏa mặt bằng, chưa có hạ tầng, chưa có nhà thầu… nhưng Công ty Địa ốc Alibaba vẫn tự nhận mình là chủ đầu tư (CĐT)! Công ty đã nhận đặt cọc giữ chỗ cho gần 500 khách hàng với số tiền cọc gần 17 tỉ đồng.
Khách nắm đằng lưỡi
Lý giải về việc vì sao Địa ốc Alibaba lại chỉ “đánh chiếm” vào đúng phân khúc duy nhất là đất nền vùng ven, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng vì khu vực này địa phương quản lý bất động sản (BĐS) chưa thực sự chặt chẽ, dễ “dụ dỗ” khách hàng.
Còn chuyên gia BĐS Phan Công Chánh thì cho biết: Phân khúc đất nền vùng ven luôn là phân khúc sôi động, nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển ra khu vực vùng ven. Điều đáng nói là Công ty Alibaba rao bán sản phẩm dự án khi chưa hoàn thiện về mặt pháp lý theo Luật Kinh doanh BĐS 2014 nhưng người mua không quan tâm đến bất kỳ yếu tố nào ngoài con số lợi nhuận 28%/năm.
“Nhét tiền” cho Alibaba
Theo rao bán của công ty, khách chỉ cần đặt cọc 30-50 triệu đồng/nền tùy dự án và ngồi rung đùi đợi vài tháng sau sẽ hưởng lợi nhuận kếch xù. Nếu sau 12 tháng, khách hàng không có nhu cầu đầu tư nữa thì công ty sẽ thu mua lại với lãi suất 28%. Còn nếu khách hàng mua giữa chừng không có khả năng thanh toán tiếp thì công ty trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng 150% trên tổng số tiền đã đóng. Với miếng mồi ngon như trên, khách hàng quên hết mọi rủi ro và lao vào nộp tiền đặt cọc giữ chỗ vì sợ cơ hội làm giàu sẽ vuột khỏi tầm tay. |
“Đầu tư BĐS rất vô chừng. Một năm giá trị đất nền có thể tăng 100%-300% là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra nhưng phải biết dự án đó nằm ở vị trí nào, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển có đồng bộ không. Chứ không phải cứ mua miếng đất giá rẻ rồi ngồi rung đùi chờ tăng vọt, kiếm lời là không thể có. Chưa kể trong trường hợp Công ty Địa ốc Alibaba không thể trở thành CĐT của dự án Tây Bắc Củ Chi thì khách hàng có nguy cơ mất trắng tài sản, chứ đừng mơ đến việc hưởng lãi suất 28%/năm. Bởi chi phí để công ty này bỏ ra để nuôi nhóm quản lý, vận hành, marketing, chi phí bán hàng… đã ngốn một khoản kinh phí khổng lồ rồi” – ông Chánh nhấn mạnh.
Một công ty địa ốc lo ngại: Người đi mua đất các dự án của Alibaba như đánh bạc. Nếu chính quyền không có những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn hành vi sai trái của Địa ốc Alibaba thì nó sẽ có thể làm ảnh hưởng rất xấu đến thị trường BĐS. Hệ lụy lớn nhất là khách hàng sẽ bị thiệt thòi, mất lòng tin vào thị trường, nhìn doanh nghiệp kinh doanh địa ốc giống như quái vật, từ đó gây ảnh hưởng chung đến uy tín của những doanh nghiệp địa ốc làm ăn chân chính.
“Thực tế là không hiếm những vụ “cờ bạc bịp” trên thị trường địa ốc đã xảy ra trong thời gian vừa qua và khả năng đòi lại tiền là vô cùng thấp. Bởi doanh nghiệp có thể chây ỳ không trả hoặc họ đồng ý trả với điều kiện khách hàng chấp nhận mất 1/5 số tiền gốc” – vị này cho hay.
Có dấu hiệu vi phạm luật hình sự
+ Ngày 30-11, Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự nhận là CĐT tại dự án Khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi để huy động vốn của khách hàng là không đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm hình sự. + Trước đó, Sở TN&MT TP.HCM đã phát đi thông báo khẩn cấp về những thông tin sai sự thật của Công ty Địa ốc Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty Địa ốc Alibaba. Theo cơ quan này, những quảng cáo của Địa ốc Alibaba là không đúng sự thật. Trong đó, dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII-3 thuộc xã Phú Trung, huyện Củ Chi vẫn chưa có CĐT, chưa được cấp phép công bố bán nền nhà, thu tiền giữ chỗ. + Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, khẳng định không có dự án khu dân cư nào của Địa ốc Alibaba trên địa bàn huyện Long Thành. Đối với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3… 14 tại huyện Long Thành, ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng TN&MT huyện Long Thành, Đồng Nai, đã xác định không có dự án nào do Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba làm CĐT ở địa phương này. + Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các cơ quan chức năng cũng đã lên kế hoạch kiểm tra toàn bộ hoạt động của Công ty Địa ốc Alibaba trên địa bàn tỉnh này + Hiệp hội BĐS TP.HCM đã liên tiếp ra hai văn bản gửi đến các cơ quan, ban, ngành để cảnh báo về hoạt động kinh doanh bất thường của Công ty Địa ốc Alibaba. Theo đó, Alibaba có dấu hiệu bất thường trong việc tăng vốn điều lệ ảo, thu tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng kiểu kinh doanh đa cấp tại nhiều dự án đất nền ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và TP.HCM. |
Nguồn Plo.vn