Từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã có nhiều nhà khoa học đề xuất cải tiến/cải cách quốc ngữ nhằm giản tiện và khắc phục những hạn chế của hệ thống chữ viết này.
Những con chữ đã gắn chặt với văn hóa, lịch sử, đời sống của từng cá nhân, gia đình người Việt. Nên sự thay đổi nào cũng có thể gây sốc văn hóa
PGS.TS MAI XUÂN HUY
Dù hiện tại những đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ ngày càng ít, nhưng các nhà ngôn ngữ học vẫn trăn trở, làm sao để những đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ có tính ứng dụng trong thực tiễn.
Chữ viết gắn với văn hóa
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Tạ Văn Thông – Viện Từ điển và bách khoa thư VN, quốc ngữ ra đời bởi những linh mục phương Tây, và ban đầu bị ảnh hưởng của vùng phương ngữ miền Trung nên có những điểm lạc hậu, không ổn.
“Tốt nhất là một âm trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng ghi bằng một chữ cái. Các chữ ngh/ng nên chuyển thành ng; g/gh nên chuyển thành g; “chua” nếu đúng âm vị phải là “chuơ”; “mắt” không cần thêm dấu sắc; chữ Đ là chữ “ngang ngược” mà không nước nào trên thế giới dùng ký hiệu này cả…” ông Thông nói.
Đến thời Pháp thuộc, chúng ta mới nghĩ đến việc thay đổi quốc ngữ, đã là quá muộn bởi nó đã đi vào đời sống, sách vở, báo chí, văn tự nhà nước… Nếu có sự thay đổi sẽ đảo lộn nhiều thứ và tốn kém quá lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cũng dẫn chứng: khi Trung Quốc chuyển từ chữ Hán phồn thể sang chữ Hán giản thể đã xảy ra rất nhiều xáo trộn. Người Trung Quốc còn muốn chuyển ký âm sang chữ Latin, nhưng không thực hiện được.
“Từ đầu thế kỷ 20 trở lại đây, hệ thống văn bản tăng lên nhanh chóng, số người biết chữ cũng phổ cập. Nên bất cứ thao tác thay đổi nào trong hệ thống chữ viết sẽ tác động đến hệ thống” – ông Vịnh lý giải nguyên nhân những đề xuất cải cách chữ viết trên thế giới ít thành công.
Chung cách lý giải trên, Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Xuân Huy – phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học – thẳng thắn:
“Những đề xuất cải tiến quốc ngữ bấy lâu nay chỉ như xây lâu đài trên cát, không khả thi. Nguyên nhân cơ bản bởi bất kỳ cải tiến nào dù nhỏ cũng sẽ gây hệ lụy quá lớn.
Giả sử cải cách đó được chấp nhận thì hệ lụy vẫn lớn hơn so với những lợi ích mà nó mang lại. Chữ viết cũng là những quy định ước lệ, nếu bỏ quy định cũ để thay bằng quy định mới thì phải chỉ rõ được những điểm ưu việt hơn.
Đúng là quốc ngữ có bất cập, nhưng trải qua trăm năm, người Việt đã chấp nhận sự bất cập đó, nên không thể sửa chữa.
Những con chữ đã gắn chặt với văn hóa, lịch sử, đời sống của từng cá nhân, gia đình người Việt. Nên sự thay đổi nào cũng có thể gây sốc văn hóa”.
Thận trọng khi đề xuất cải tiến
“Quốc ngữ không hoàn thiện nhưng chúng ta cần chấp nhận. Hiện tại cũng ít ai nghĩ đến việc làm cho nó hoàn thiện nữa, bởi lo lợi bất cập hại” ông Tạ Văn Thông nói.
Ông kể giáo sư Hoàng Phê là người đau đáu với việc cải tiến quốc ngữ. Nhưng đến những năm 1980 thì ông cũng thừa nhận đặt vấn đề này không còn phù hợp nữa rồi.
“Công việc nghiên cứu là của các nhà khoa học, nên trân trọng. Nhưng không nên khuyến khích những đề xuất cải cách chữ quốc ngữ nữa, bởi không còn thực tế. Nếu có cải tiến, không nên chỉ xét dưới góc độ khoa học mà cần nhìn rộng ra từ góc độ văn hóa, tập tính người Việt, và cân nhắc giữa hiệu quả và hệ quả mà nó gây ra” ông Thông nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Vịnh lại kỳ vọng: “Tôi ủng hộ phải tìm cách tối ưu chữ viết có thể. Trong tương lai có phương án giản tiện chữ quốc ngữ nhất thì sẽ được ủng hộ thôi”.
Còn với Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Xuân Huy: Về mặt khoa học vẫn nên khuyến khích cải tiến quốc ngữ. Nhưng cần hết sức thận trọng, không bao giờ khuyến khích một sự cải cách vội vã, thiếu lý trí và thiếu nhạy cảm văn hóa.
Như vậy thì những đề xuất cải tiến mới có thể thành công, tránh được những sai sót, những hệ lụy đáng tiếc, hay bị “ném đá”.
Hơn nữa, theo ông, hệ thống chữ cái tiếng Việt hiện nay gần như tương ứng với hệ thống chữ cái tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức… nên người Việt học ngoại ngữ có nhiều thuận lợi hơn.
* GS.TS Lê A (khoa ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):
Chữ quốc ngữ đã đi vào ổn định
Trước năm 1975 cũng có nhiều đề xuất cải tiến quốc ngữ, do có một số vấn đề được xem là không hợp lý.
Nhiều đề xuất cũng đề nghị thay thế một số chữ cái để đảm bảo nguyên tắc mỗi âm một ký tự.
Nhưng các đề xuất này đều bị bác bỏ, hoặc chấp nhận trong giới chuyên môn để nghiên cứu mà không thực thi trên thực tế.
Sau này, những đề xuất ở tầm vĩ mô không có, chủ yếu vì giới chuyên môn đều hiểu rằng thay đổi chữ viết rất phức tạp và để lại những hệ lụy lớn, tác động đến toàn xã hội.
Hơn nữa trải qua thời gian, quốc ngữ đã đi vào ổn định. Những điểm bất hợp lý được nhiều người chỉ ra trước đây cũng không phải vấn đề gây khó khăn lớn và đều đi kèm với các nguyên tắc riêng.
Xét ở một góc độ khác, các ký tự khác nhau có cùng âm đều có các quy ước khi sử dụng; và nó cũng có tính hợp lý chứ không hẳn là vô lý, không thể sử dụng.
Chữ viết của mỗi quốc gia đều gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hóa. Vì thế, chuyện đề xuất điều chỉnh chữ viết ở các quốc gia khác cũng đã có nhưng đều không được thực hiện.
Nguồn: tuoitre.vn