Thôn Phú Bình, xã Phú Riềng (Phú Riềng) có 98 hộ, trong đó 12 hộ người Kinh còn lại là dân tộc S’tiêng. Những năm qua, dù được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ mọi mặt nhưng hiện Phú Bình vẫn là thôn đặc biệt khó khăn với 34 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo; cơ sở hạ tầng thiếu và yếu…
Chưa có điểm trường nên các cháu bậc mầm non phải học nhờ nhà văn hóa thôn
Cả thôn “nhàn nhã”
9 giờ sáng một ngày đẹp trời đầu tháng 12 nhưng hầu như người dân thôn Phú Bình không mấy ai tất bật với công việc mà khá an nhàn giống như dịp nghỉ lễ. Từ đầu đến cuối thôn, già trẻ, trai gái ngồi thành nhiều tốp “buôn dưa lê”, vài nhóm đàn ông mình trần ngồi nhâm nhi rượu đế.
Trong căn nhà lợp tôn tuềnh toàng, tài sản không có gì đáng giá nhưng hộ anh Điểu Sá vẫn ở nhà. Điểu Sá cho biết, vợ chồng anh có 5 người con, đứa đầu đang học lớp 3, Trường tiểu học Phú Riềng B. Do nhà cách trường 12km, đường đi khó khăn nên anh phải dành hẳn buổi sáng đưa đón con, buổi chiều ở nhà ai thuê gì làm nấy. Trước đây, anh từng học cạo mủ cao su nhưng do tay nghề yếu nên không ai thuê. Vợ anh là chị Thị Gái không biết đi xe máy cũng không biết làm nghề gì nên ở nhà trông con. Vợ chồng anh Điểu Sá từng có 5 sào điều nhưng do túng thiếu nên đã bán.
Gia đình anh Điểu Phương B cũng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Gia đình anh có 6 thành viên ở trong căn nhà tạm, ẩm thấp, chỉ rộng khoảng 10m2 và không có vật dụng nào đáng giá. Là lao động chính trong gia đình nhưng trông anh già yếu hơn nhiều so với tuổi 32. Anh cho biết, hơn 2 tháng trước may mắn được một người dân thuê cạo mủ cao su. Tuy nhiên do công việc nặng nhọc, vợ bệnh, con mới sinh nên anh nghỉ ở nhà luôn. Đã gần 12 giờ trưa nhưng bếp củi gia đình anh vẫn lạnh tanh. Tôi hỏi: “Gia đình mình không nấu cơm trưa à?”. Anh trả lời: “Không, một ngày chỉ ăn 2 bữa sáng và chiều thôi, buổi trưa nhịn. Sáng nay ăn cơm rau với muối, còn buổi chiều thì chưa biết. Chiều tôi đi một vòng xem có kiếm được gì ăn không?”.
Ông Điểu Chính cho biết: Trước đây hộ nào cũng có đất sản xuất từ 1-5 ha, nhưng đến nay khoảng 50% hộ bán đất ăn dần, hơn 20 hộ không còn đất sản xuất. Nguyên nhân do người dân không có việc làm ổn định, đông con dẫn đến cầm cố đất, vay nặng lãi, bán điều non. Hiện tình trạng bán đất sản xuất đã giảm nhưng vay nặng lãi còn khoảng 30 hộ. Thôn không có doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nào hoạt động. Người dân ở đây chỉ sống nhờ làm thuê, hái măng và phần lớn phụ thuộc vào mùa điều. Hiện thôn có 3 người đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, nhưng do không có bằng tốt nghiệp THCS nên chỉ làm tạp vụ, lao công bên ngoài.
Cơ sở hạ tầng thiếu
Phú Bình cách trung tâm xã khoảng 14km, cách Trường tiểu học Phú Riềng B 12km, cách Trường mẫu giáo Phú Riềng Đỏ 13km. Trong đó, đoạn đường từ ngã ba ĐH312 vào thôn dài 3,5km hiện mới thâm nhập nhựa 1,2km, còn lại là đường đất dốc, gấp khúc, trơn trượt rất khó lưu thông. Hiện thôn chưa có điểm trường mầm non.
Ông Điểu Chính cho biết thêm: Những năm trước phần lớn con em trong thôn không được học mầm non vì nhà quá xa trường. Nhằm tránh tình trạng các cháu chưa qua mẫu giáo đã lên thẳng lớp 1, cuối năm học 2014-2015, thôn cho Trường mẫu giáo Phú Riềng Đỏ mượn tạm nhà văn hóa cộng đồng thôn làm điểm lẻ cho các cháu bậc mầm non học. Hiện điểm trường có 13 cháu từ 3-6 tuổi đều là người S’tiêng. Đến nay, thôn mới chỉ có 1 phòng học cho học sinh lớp 1 và lớp 2. Phòng học được xây dựng từ năm 2004, trên nền đất mượn tạm của bà Thị Vân với tổng diện tích khoảng 100m2. Đầu năm học vừa qua, thầy trò vui mừng vì được các nhà hảo tâm ở thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 50 triệu đồng kéo điện thắp sáng, lắp quạt trần, tủ sách và sơn sửa toàn bộ phòng học. Tuy nhiên, hiện điểm trường vẫn chưa có cổng, hàng rào, nhà vệ sinh. Học sinh từ lớp 3 trở lên phải ra điểm chính và một số điểm trường lân cận.
Phó chủ tịch UBND xã Phú Riềng Hồ Trung Cường cho biết: Phú Bình là thôn đặc biệt khó khăn. Từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm thôn được hỗ trợ 250 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 50 triệu đồng hỗ trợ sản xuất. Ngoài ra, mỗi năm xã còn vận động khoảng 10 đoàn từ thiện đến tặng quà, hỗ trợ vốn sản xuất cho thôn. Tuy nhiên Phú Bình vẫn còn nhiều khó khăn do người dân trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, thiếu ý thức vươn lên. Chính quyền xã nhiều lần vận động vào các công ty, xí nghiệp nhưng đa số người lao động lại thích làm thuê sống qua ngày.
Về xây dựng phòng học ở Phú Bình, ông Cường cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2018, huyện cho chủ trương xã đi vận động các doanh nghiệp, hộ dân bán đất. Khi có quỹ đất mới thực hiện phương án tiếp theo.
Theo: BPO