Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2017 với một ‘rổ’ huy chương nhưng vẫn giới thiệu được vài nhân tố đáng chú ý.
Họ là những gương mặt trẻ bám trụ với nghề, dù chưa hoàn toàn sống được bằng nghề.
Lệ Trinh: điểm cao cho người nhỏ tuổi
Nguyễn Lệ Trinh (Đoàn văn công Đồng Tháp) sinh năm 1996, là thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi. Trinh vừa tốt nghiệp khoa kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM và được Đoàn văn công Đồng Tháp “bắt” về đoàn mấy tháng nay.
Nhân vật Võ Thị Sáu (tiết mục Người con gái đất đỏ) của Lệ Trinh được thể hiện tinh khôi và tự nhiên. Trinh không phô diễn quá nhiều kỹ thuật, mà truyền cho khán giả sự lạc quan, tình cảm trong sáng của người nữ anh hùng trẻ tuổi.
Đạo diễn cũng không tham mảng miếng, để cô tự do cùng nhân vật. Không chỉ thuyết phục khán giả, cô còn chinh phục giám khảo khi giành số điểm cao nhất cuộc thi.
Cô gái đến từ Bến Tre đang ở nhà tập thể của Đoàn văn công Đồng Tháp. Tuy đồng lương ít ỏi, vẫn cần sự hỗ trợ từ cha mẹ, Lệ Trinh rất lạc quan tin vào tương lai và hướng về nghề với sự nghiêm túc: “Khi hát riêng, giọng của em còn hạn chế nên sẽ cố gắng thêm”.
Phương Phú: kép đẹp của ca kịch bài chòi
Trong 15 huy chương vàng, các diễn viên cải lương áp đảo, chỉ có Nguyễn Phương Phú đoạt huy chương vàng ở lĩnh vực dân ca kịch. Anh gây ấn tượng với khán giả Đồng Nai với nhân vật Chế Mân (tiết mục Huyền Trân công chúa).
Ngoài ra, khi phụ diễn cho tiết mục của đồng đội, anh chàng lần nữa khẳng định mình trong diện mạo kép đẹp, ca hay với các vai Nguyễn Huệ, hoàng tử Vương Tùng. Phú có gương mặt sáng sân khấu, dáng dày dạn rất ra phong thái vua, tướng. Lối diễn của anh cũng tình, biết cách điều tiết để khi nào uy dũng, khi nào thành… soái ca!
Khi được chọn vào học lớp dân ca bài chòi của tỉnh Bình Định, anh còn bỡ ngỡ và không hề yêu bài chòi. Về đoàn ca kịch bài chòi từ cuối năm 2004, Phú giờ vươn lên vị trí kép chánh. Đào chánh là vợ anh, diễn viên Thùy Dung (đoạt huy chương vàng Tài năng trẻ năm 2014 tại Cần Thơ).
Thu nhập chỉ tầm trên dưới 5 triệu đồng/tháng, nhưng Phú chia sẻ anh chẳng thấy khó khăn vì vợ chồng biết cách chi tiêu. Thùy Dung thỉnh thoảng chạy sô hát bolero, còn Phú đi múa minh họa (một bài múa catsê 100.000-150.000 đồng).
Có khả năng hát tân nhạc nhưng ai kêu sô, phải hát bài chòi Phú mới chịu, còn không, anh từ chối. “Hát bài chòi là cách tôi hãnh diện giới thiệu đam mê của mình!” – chàng “Chế Mân” nói.
Như Quỳnh: “bà Tây” hát cải lương
Như Quỳnh không phải cái tên xa lạ. Cô là đào chánh của đoàn 1 Nhà hát cải lương VN với nhiều vở diễn như Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Vua Phật, Hừng đông và mới đây nhất là vai Huyền Trân trong Ni sư Hương Tràng.
Điều đặc biệt ở hai cuộc thi Tài năng trẻ tại Cần Thơ năm 2014 và lần này tại Đồng Nai là Quỳnh đều chọn nhân vật nước ngoài: Mê Đê và đợt thi này là Macbeth (Tùy hứng Macbeth phu nhân).
Cái khó cho sự lựa chọn của Quỳnh là khán giả sẽ thấy xa lạ với nhân vật. Ngay cả Quỳnh ở những giờ phút đầu lên sàn tập cũng không thấy thích.
Nhân vật này hiếm được dàn dựng nên không có khuôn mẫu nào cho Quỳnh tham khảo. Vì thế, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã khai phá mảnh đất màu mỡ để Như Quỳnh bước vào, xoay trở với những cung bậc cảm xúc của người đàn bà đầy mưu toan, có thể xúi giục những điều ác ngất trời.
Những trăn trở cho vai diễn khiến Quỳnh có sự thể hiện thuyết phục trong buổi thi quyết định. Giải vàng cho “bà Tây” hát cải lương không chỉ vì khả năng ca diễn, hóa thân vào nhân vật phức tạp, có lẽ còn vì sự dũng cảm của cô và đạo diễn, biết tìm đến những cái mới!
Hồng Trang: giọng ca ngọt đất Quảng
Trong tiết mục Chuyện tình bên dòng sông Thu của Đoàn ca kịch Quảng Nam, khả năng hóa thân của Hồng Trang có thể chưa thật điêu luyện, nhưng gương mặt đẹp, cách diễn mộc, giọng ca ngọt ngào của cô đã chinh phục khán giả.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, Trang lại thi vào Đại học Sư phạm Huế. Nhập học chưa bao lâu, Trang được bác kêu về đoàn ca kịch vì đang thiếu diễn viên trẻ.
Thế rồi “mối duyên” này được Trang nỗ lực vun đắp bằng sự tập luyện chăm chỉ: nghe đĩa, nghe người ta hát và học theo, chỗ nào lấn cấn thì hỏi ba mẹ.
Đoàn cũ của Trang là Đoàn ca kịch Quảng Nam – Đà Nẵng. Giờ tách đoàn, cơ quan chuyển về Quảng Nam. Hằng ngày, cô ngồi xe buýt 70-80 cây số đi làm. Mới vô biên chế nên lương của Trang tăng lên được 3,4 triệu đồng/tháng. Tháng nào có sô thì thu nhập cải thiện chút đỉnh. Yêu nghề nhưng đôi lúc cô chạnh lòng vì với thu nhập đó, tằn tiện lắm mới đủ lo cho gia đình.
Chồng Trang học âm nhạc, nhưng phải làm trái nghề. Để vợ đi thi, chồng cô xin nghỉ việc không lương chăm ba cậu nhóc. Huy chương bạc duy nhất của Đoàn ca kịch Quảng Nam mà Trang được nhận sẽ là món quà đặc biệt cô dành cho người chồng đảm đang.
Nguồn: tuoitre.vn