Gần cuối cuộc đời công chức, anh lại được đi học. Cái sự học thời nay không còn nghiêm túc như xưa, cán bộ đi học lại càng lôm côm. Bởi thế, mới hơn 4 giờ chiều đã tan lớp. Chả biết dùng thời gian vào việc gì, anh lững thững đi ra cổng trường. Thật may, ngay sát cổng trường là một nhà sách to đùng. Anh vui mừng vì biết trong suốt hơn 1 tháng trời học tại trường, nhà sách sẽ là nơi để anh thỏa niềm yêu thích đối với sách, bởi những tháng ngày đi làm công chức, phần vì bó buộc thời gian, phần vì thiếu môi trường, niềm yêu thích của anh dần bị quên lãng.
Những kệ sách dăng dăng đủ loại và được sắp xếp theo khu vực một cách khoa học, rất thuận tiện cho bạn đọc tìm sách. Chẳng bù ngày xưa, cả phố huyện của anh chỉ có một cửa hàng sách báo nho nhỏ mà chủ yếu là bán báo và tạp chí ảnh của Liên Xô. Cô bán sách là người xởi lởi và ham đọc, hay nói chuyện văn chương. Cứ vào tầm cuối tháng 8 hằng năm, anh lại xin mẹ mấy hào ra mua cuốn tạp chí ảnh để tách ra từng tờ bọc sách vở. Cả lớp chỉ có mình anh bọc sách vở bằng giấy tạp chí ảnh, là loại giấy bóng và dai, lại có hình ảnh đẹp nên nhiều đứa ghen tị. Bây giờ, bọn trẻ có đủ loại giấy bóng rất đẹp để bọc sách và chúng còn “đồng phục” bìa bọc cho từng môn.
Toàn bộ tầng trên của nhà sách được dùng để trưng sách văn học. Thôi thì đủ loại, từ thơ, kịch, tiểu thuyết, tản văn, tiểu phẩm, truyện ngắn; lý luận phê bình sân khấu, âm nhạc, văn học trong nước đến những cuốn sách kinh điển của văn học nước ngoài ngồn ngộn trên giá. Có những cuốn chỉ vài chục trang nhưng có nhiều cuốn dày mấy trăm trang, bìa cứng, chữ nổi mạ vàng rất đẹp. Và những cái tên sách thì ôi thôi, đọc lên đã biết thuộc loại sách gì. Bên cạnh những tên sách “nửa kín nửa hở” như: Gái trinh, 48 giờ yêu nhau, Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường, Lỡ tay chạm ngực con gái, Người yêu cũ có người yêu mới… còn có những tên sách “sốc tận óc” như: Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Váy ướt quấn bắp chân, Hễ sướng thì hét lên, Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu. Thậm chí có cả một cuốn sách được xuất bản phục vụ thiếu nhi nhưng tên sách lại dài ngoẵng và khiến cả người già cũng phải giật mình: Thuyền trưởng Quần lót và cuộc xâm lược của các mụ cấp dưỡng thô tục kinh khiếp từ ngoài hành tinh…
Anh không dám chạm tay vào những cuốn sách có tên “sốc tận óc” như thế, bởi chỉ đọc tên sách lên đã có thể hình dung ra những điều tác giả viết trong sách rồi. Anh nhớ lại những cuốn sách lãng mạn một thời đã đọc như: Bướm trắng, Nhãn đầu mùa, Đồi gió hú… Khi chia sẻ tâm trạng này, có người nói, bây giờ thị hiếu người đọc thay đổi nên các tác giả cũng phải có “chiêu” khi đặt tên sách, nếu không sẽ không bán được sách. Và “chiêu” ấy là tên sách phải thỏa mãn các yếu tố “sến, sốc, chuối”. Thật buồn biết mấy!
Anh bước lại chỗ cô nhân viên, nhờ tìm hộ cuốn truyện ngắn “Chiến tranh” của Thái Bá Tân. Cô lướt qua kệ sách, nhìn hờ hững trên giá rồi trả lời hững hờ, “không có”. Anh năn nỉ cô tìm giúp vì rất muốn có cuốn ấy thì cô sẵng giọng, cháu đã nói nhà sách không có cuốn ấy mà. Rồi cô tót lên ghế ngồi, lấy chiếc dũa ra dũa móng tay. Anh càng buồn hơn. Nếu là cô hàng sách phố huyện năm xưa, cho dù không có sách, hẳn cô đã dành thời gian để trao đổi với anh về tác giả hoặc cuốn sách này rồi.