Chính phủ trung ương nắm quyền trực tiếp, bầu cử mới, thay thế cảnh sát, sử dụng vũ lực, người dân Catalonia bất phục… sẽ là những viễn cảnh tiếp theo.

Catalonia tuyên bố độc lập, chính phủ trung ương Tây Ban Nha bãi chức Thủ hiến Carles Puigdemont cùng các quan chức, công chức trong bộ máy chính quyền, giải tán nghị viện Catalonia, tuyên bố bầu cử mới vào ngày 21-12. Chuyện gì sẽ xảy tới tiếp theo trong cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất Tây Ban Nha trong 40 năm dân chủ qua? Dưới đây là một số viễn cảnh có thể xảy ra trong vài ngày tới.

Nắm quyền trực tiếp: Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã sa thải toàn bộ bộ máy chính quyền bao gồm Thủ hiến Carles Puigdemont và Phó Thủ hiến Oriol Junqueras. Có vẻ các ban ngành chính phủ sẽ trực tiếp nằm quyền lực, kiểm soát chính quyền Catalonia đến khi cuộc bầu cử diễn ra.

Bầu cử: Chưa rõ liệu cuộc bầu cử có giải quyết được khủng hoảng hay không. Một cuộc thăm dò ý kiến công bố trên báo El Periodico(Tây Ban Nha) ngày 22-10 cho thấy cuộc bầu cử tới này có thể sẽ cho ra kết quả tương tự như lần bầu cử trước năm 2015, với liên minh cầm quyền là các đảng ủng hộ độc lập. Một số cuộc thăm dò khác cho thấy Catalonia đang có sự chia rẽ rất lớn giữa hai chủ trương ủng hộ và phản đối độc lập.

Bất tuân dân sự: Các nhóm chủ trương ly khai ở Catalonia đang kêu gọi người dân bất tuân dân sự đối với mệnh lệnh từ chính phủ trung ương. Chưa rõ lời kêu gọi này có hiệu quả hay không.

Sử dụng vũ lực: Chính phủ trung ương Tây Ban Nha nói không có kế hoạch bắt bớ ai nhưng chưa rõ chính phủ sẽ làm gì nếu các công chức bộ máy chính quyền Catalonia từ chối rời nhiệm sở. Ngày càng nhiều nhà phân tích lo ngại sẽ có một cuộc đối đầu nếu cảnh sát quốc gia ra tay can thiệp. Vài ngày trước chính phủ trung ương từng nói sẽ triển khai cảnh sát đến Catalonia giữ an ninh.

Cảnh sát: Một vấn đề và lo ngại chính trong việc thực hiện nắm quyền trực tiếp Catalonia liên quan đến lực lượng cảnh sát Catalonia, lực lượng Mossos d‘Esquadra, hiện có 17.000 người. Thủ tướng Rajoy nói sẽ sa thải ông Josep Lluis Trapero, chỉ huy lực lượng Mossos d‘Esquadra, vốn đang bị điều tra nghi ngờ xúi giục nổi loạn.

Cảnh sát Catalonia bảo vệ an ninh khi người ủng hộ độc lập xuống đường ăn mừng sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, ngày 27-10. Ảnh: REUTERSCảnh sát Catalonia bảo vệ an ninh khi người ủng hộ độc lập xuống đường ăn mừng sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, ngày 27-10. Ảnh: REUTERS

Nói với Reuters, một số quan chức lực lượng cảnh sát Mossos d‘Esquadra cho biết có sự chia rẽ cao trong nội bộ giữa hai chủ trương ủng hộ và phản đối độc lập. Một nhóm cảnh sát Mossos d‘Esquadra ủng hộ độc lập đã nói sẽ không tuân chỉ đạo của chính phủ trung ương, sẽ không dùng vũ lực buộc các công chức rời nhiệm sở hay buộc các nghị viên rời nghị viện. Một khả năng lớn là chính phủ trung ương sẽ đưa cảnh sát quốc gia thay thế lực lượng Mossos d‘Esquadra, nếu tình hình bức thiết.

Tài chính: Bộ Kinh tế đã có bước đi tăng kiểm soát tài chính Catalonia, phong tỏa việc sử dụng các quỹ công cho các nỗ lực ly khai, giành lại quyền trực tiếp chi trả cho các ban ngành quan trọng. Hướng đi vài ngày tới là chính phủ trung ương sẽ kiểm soát toàn diện tài chính Catalonia.

Nhiều công ty ở Catalonia lo ngại tới đây cơ quan tài chính mới của Catalonia sẽ tăng thu thuế. Có khả năng các công ty theo chủ trương ủng hộ độc lập sẽ tìm cách luồn lách để không phải đóng thuế cho chính phủ trung ương.

Truyền thông công: Truyền thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình bầu cử mới ở Catalonia. Chính phủ trung ương từng nói sẽ kiểm soát kênh truyền hình công TV3 của Catalonia nhưng sau đó đổi ý.

ĐĂNG KHOA

Nguồn Plo.vn

Từ khóa : CataloniaGiải Tán Nghị ViệnTây ban nhaThủ Hiến PuigdemontThủ Tướng RajoyTước Quyền Tự TrịTuyên Bố Độc Lập

Các tin liên quan đến bài viết