Thanh tra Chính phủ yêu cầu làm rõ vụ một doanh nghiệp có vốn góp của công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phải giải thể khiến hàng trăm công nhân mất việc.
Ngày 22-10, một nguồn tin Thanh tra Chính phủ cho biết đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết kiến nghị của các cổ đông Công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú.
“Lấy làm tiếc” công ty giải thể
Công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú có trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng Xoài 1, tỉnh Bình Phước, là doanh nghiệp có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, có tới 52% vốn góp của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán là DPR, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam).
Sau khi nhận được văn bản của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam kiểm tra, báo cáo.
Hiện tại, theo thông tin, đoàn kiểm tra của tập đoàn đã làm việc với công ty thành viên để làm rõ những “lùm xùm” dẫn tới việc phải giải thể doanh nghiệp này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Đình Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú, nói rằng với góc độ cá nhân thì ông “rất lấy làm tiếc” với việc giải thể công ty gỗ Đồng Phú.
Theo ghi nhận, toàn bộ máy móc, nguyên vật liệu… của công ty này, trong đó có nhiều máy cưa xẻ gỗ trị giá hàng trăm triệu đồng/chiếc, đã bị niêm phong để chờ xử lý.
Hầu hết trong tổng số 217 công nhân, người lao động của công ty đã được cho ngưng việc.
Hiện chỉ còn một số nhân sự như bảo vệ, nhân viên văn phòng… còn đi làm trong thời gian chờ giải thể công ty.
Khó thu hồi vốn góp
Một vấn đề quan trọng khác là phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn, trong đó đa phần là vốn góp công ty nhà nước, nhưng dường như sẽ không dễ dàng do có thể phát sinh tranh chấp.
Theo văn bản trả lời của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bình Phước, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của Công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú vẫn mang tên Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú (một trong các cổ đông sáng lập Công ty gỗ Đồng Phú).
Agribank cho biết do sổ đỏ này gắn với hồ sơ vay vốn của Công ty Xây dựng Đồng Phú nên chưa thể trả sổ cho Công ty Gỗ Đồng Phú.
Tại buổi làm việc mới đây giữa Công ty Gỗ Đồng Phú và Công ty Xây dựng Đồng Phú, ông Trần Hữu Loan, Giám đốc Công ty Xây dựng Đồng Phú, cho rằng khi góp vốn thành lập Công ty Gỗ Đồng Phú thì công ty của ông Loan có bỏ ra nhiều chi phí như cấp giấy chứng nhận, xây tường rào, di dời mồ mả… mà chưa được ghi nhận.
Công ty Xây Dựng Đồng Phú chỉ đồng ý trả lại sổ đỏ cho Công ty Gỗ Đồng Phú khi được thanh toán lại những chi phí này.
Vì vậy, dù tới nay trên thực tế Công ty Gỗ Đồng Phú đã ngưng hoạt động nhưng giấy tờ vẫn chưa giải quyết được.
Luật sư Thái Văn Chung, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng sự việc “lùm xùm” giải thể Công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú không chỉ có nguy cơ làm thất thoát tài sản góp vốn của nhà nước mà còn có dấu hiệu sai phạm hình sự.
Cụ thể tài sản (là nhà xưởng, máy móc…) gắn liền với quyền sử dụng đất đứng tên công ty Xây dựng Đồng Phú đã được công ty này định giá để góp vốn thành lập công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú.
Theo quy định thì đây sẽ là tài sản của công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú và trong vòng 90 ngày phải sang tên công ty mới.
Thế nhưng, sau nhiều năm tài sản này vẫn bị cổ đông sáng lập mang đi “cắm” ngân hàng.
Điều này, theo luật sư Chung, liên quan tới trách nhiệm của ban điều hành công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú từ những ngày đầu thành lập.
Để giải thể Công ty Gỗ Đồng Phú, nếu phía công ty kiện để đòi sổ đỏ thì có thể dẫn tới việc tài sản nhà xưởng, máy móc… gắn liền với sổ đỏ sẽ phát sinh tranh chấp với ngân hàng nên việc thanh lý được để thu hồi vốn là rất khó.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ quy trình thẩm tra của ngân hàng khi trên giấy tờ thì tài sản mang tên công ty này nhưng thực tế lại do một công ty khác quản lý, sử dụng nhưng ngân hàng vẫn giải ngân cho vay vốn.
Công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú được thành lập từ năm 2011 bởi ba cổ đông: Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN), Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú và cổ đông cá nhân. Tới năm 2015, Công ty TNHH Xây dựng Đồng Phú và cổ đông cá nhân bán cổ phần cho Công ty TNHH Ngọc Giàu và cổ đông cá nhân khác.
Mặc dù chỉ ra đời vài năm nhưng công ty cổ phần Gỗ Đồng Phú liên tiếp “dính” lùm xùm, cụ thể như năm 2014 lỗ tới 29 tỷ đồng, công ty phải cách chức tổng giám đốc…. Sau khi mua cổ phần, cổ đông mới là Công ty TNHH Ngọc Giàu và cổ đông cá nhân mới tá hỏa khi biết sổ đỏ của công ty bị bên thứ ba giữ nên đã gửi đơn tố cáo nhiều nơi. Do bất đồng không thể giải quyết, tới tháng 10-2017, đại hội cổ đông công ty phải ra quyết định giải thể công ty.
Nguồn: tuoitre.vn