Thời gian gần đây một số nông dân trên địa bàn tỉnh đã thử nghiệm trồng dưa lưới. Có người bước đầu thành công, thu nhập cao từ loại cây trồng này nhưng cũng có người đang thấp thỏm âu lo chờ…kết quả. Trong khi đó, một số chuyên gia, nhà khoa học thì lại khuyến cáo: với dưa lưới, hãy thận trọng tìm hiểu kỹ trước khi trồng.
![]() |
Ước tính mỗi năm có thể trồng dưa lưới từ 3-4 vụ mùa |
Hiệu quả kinh tế bước đầu…
Theo các chuyên gia nông nghiệp, một vụ dưa lưới từ lúc trồng tới lúc thu hoạch có thời gian 65-75 ngày, ước tính mỗi năm có thể trồng từ 3-4 vụ mùa. Trong đó, mùa khô trồng được từ 2.500-2.700 cây/1.000m2 (tương đương với 1 sào); mùa mưa trồng được từ 2.200 – 2.500 cây/1.000m2. Trồng với mật độ này thì vườn dưa lưới đạt trọng lượng từ 1,5-2kg/trái, có thể cho năng suất hơn 3 tấn trái/1.000m2.
Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 30.000- 35.000đồng/kg thì người nông dân sẽ nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư ban đầu.
Nắm bắt nhu cầu thực tế đó, nhiều nông dân trong tỉnh Bình Phước đã đầu tư trồng dưa lưới và đã bắt đầu có lãi. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 8ha diện tích trồng dưa lưới.
Là người thành công trong trồng dưa lưới, ông Nguyễn Hữu Thọ, ở xã Thanh Phú, thị xã Bình Long cho biết: Năm 2016, ông bắt tay vào đầu tư, thuê công ty tư vấn xây dựng 6 sào nhà màng kiên cố, hiện đại để trồng dưa lưới. Sau thời gian chăm sóc, vườn dưa của ông cho kết quả tốt, bình quân mỗi vụ ông thu về 50 triệu đồng/sào sau khi trừ chi phí.
Nhận thấy dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế, cho thu nhập ổn định, cuối năm 2016 ông Phan Văn Chung, ở xã Tân Khai, huyện Hớn Quản đã mạnh dạn thuê nhân công cưa cao su để đầu tư trồng 1 sào dưa lưới. Sau gần 3 tháng trồng, vườn dưa cho thu hoạch được 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thấy được kết quả đó, ông Chung tiếp tục chặt bỏ 1,3 sào tiêu đã 2 năm tuổi để mở rộng đầu tư trồng dưa lưới.
Để có một vườn dưa lưới đạt năng suất cao, cho thu nhập ổn định thì người nông dân phải bỏ ra số tiền rất lớn, từ 300-500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho 1 sào (tương đương 1.000m2). Bên cạnh đó, muốn có sản phẩm dưa lưới ngon, ngọt, giòn và thơm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì kỹ thuật trồng loại cây này cũng rất tỉ mỉ. Ông Chung chia sẻ: “Tôi phải bỏ ra gần 300 triệu đồng tiền đầu tư xây dựng nhà màng và giống cho 1 sào dưa lưới. Cùng với đó, việc chăm sóc vườn dưa đòi hỏi phải tỉ mỉ, nhất là phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Riêng phân bón cũng phải dùng đúng cách, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học để bón cho cây, tuyệt đối không dùng phân hóa học”.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ cách trồng dưa lưới đạt năng suất cao |
Ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết, để có 6 sào dưa lưới cho thu nhập cao như ngày hôm nay thì gia đình ông phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng đầu tư hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nước tự động và giống. Không những tiền đầu tư ban đầu cao mà công chăm sóc cũng quyết định chuyện thành hay bại của việc trồng dưa lưới.
… Nhưng cần thận trọng
Ông Phạm Song Quyền – cán bộ phụ trách về kỹ thuật và thị trường, công ty TNHH Nông sinh Khang Nguyên, TP.Hồ Chí Minh (đơn vị đầu tiên của Việt Nam chuyên cung cấp giống và thu mua dưa lưới) cho biết: “Hiện nay thị trường có nhiều thông tin không chính xác về việc xuất khẩu dưa lưới, khiến nhiều người chạy theo phong trào trồng dưa lưới, dẫn đến nguy cơ trong tương lai cung sẽ vượt cầu. (Thực tế thì hiện nay dưa lưới tiêu thụ trong nước cũng đã khó khăn, chưa xuất khẩu được – PV). Do đó, nếu không kiểm soát tốt việc mở rộng diện tích, một khi sản lượng quá nhiều mà không kiểm soát được, sẽ làm cho giá dưa lưới trên thị trường giảm và thiệt hại người nông dân sẽ gánh chịu trước tiên”.
![]() |
Ông Phạm Song Quyền – cán bộ phụ trách về kỹ thuật và thị trường, công ty TNHH Nông sinh Khang Nguyên, TP.Hồ Chí Minh |
Cũng theo ông Quyền, do mới du nhập vào Việt Nam được gần 2 năm nay nên một số nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của loại cây trồng này. Nhiều người tin vào giống dưa lưới nhập ở nước ngoài về, đến khi đầu tư trồng thì năng suất mang lại không cao, trong khi chi phí lớn. Cũng có người trồng thành công thì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Để có thị trường dưa lưới ổn định, theo ông Quyền thì cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu quy hoạch vùng trồng, quy mô, diện tích giới hạn, nhằm tránh trồng tràn lan không kiểm soát được, dẫn đến giảm chất lượng và hiện tượng được mùa mất giá sẽ xảy ra. Đồng thời, cần sự liên kết của các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân nhằm hướng đến phát triển dưa lưới bền vững. Cùng với đó, để tăng hiệu quả trên cùng một diện tích thì người nông dân nên kết hợp trồng loại cây trồng khác như các loại rau, dưa leo… nhằm tránh lãng phí tài nguyên đất.
Không những ông Quyền mà một số nhà khoa học, nhà quản lý cũng khuyến cáo: trồng dưa lưới là hướng đi mới, bước đầu có hiệu quả, giúp người nông dân có điều kiện tăng thu nhập. Tuy nhiên, không vì thế mà chạy theo phong trào, phải tìm hiểu thật kỹ trước khi trồng để tránh hậu quả về sau. Hãy nhớ, bài học với cây dó bầu, cây hông (polyme), tiêu và nhiều loại nông sản khác.
Nguồn khoahocthoidai.vn