Bao giờ Internet tại VN thôi chập chờn? Đó là câu hỏi lớn khi đường truyền Internet của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào cáp biển mà cáp… liên tục đứt.
Lúc 7h20 ngày 12-10, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG lại xảy ra sự cố làm mất nhiều lưu lượng kết nối Internet đi quốc tế của người dùng Việt Nam. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do đứt cáp quang biển gần Hong Kong.
Mỗi năm ít nhất 3 sự cố cáp quang
Trước đó, ngày 10-10, tuyến cáp quang biển SMW-3 cũng bị sự cố làm suy giảm lưu lượng kết nối Internet của người dùng. Theo một nhà mạng, hai sự cố này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ kênh quốc tế tại các tỉnh miền Nam và miền Trung.
Còn với những doanh nghiệp, mỗi lần đứt cáp là nguy cơ thiệt hại về kinh tế chứ không chỉ đơn thuần ảnh hưởng liên lạc. “Cứ mỗi lần nghe AAG đứt chúng tôi lại mệt mỏi. Bởi công việc chúng tôi gần như bị đình trệ, kết nối cứ chập chờn lúc được lúc không. Công việc trao đổi với đối tác nước ngoài vô cùng khó khăn” – chị Thiên Thư, nhân viên một công ty phần mềm ở Q.7, TP.HCM, bức xúc.
Theo chị Thư, mạng yếu khiến các cuộc trao đổi, hội ý công việc qua mạng với các đối tác quốc tế lúc được lúc mất. Công việc bị chậm và nguy cơ bị phạt hợp đồng luôn treo lơ lửng trên đầu…
Tiên tục từ năm 2014, không năm nào AAG bị dưới ba sự cố. Riêng năm 2017 đây đã là lần thứ tư AAG gặp sự cố. Sự cố gần nhất xảy ra ngày 27-8 và chỉ được khắc phục hoàn toàn ngày 30-9. Không những AAG mà một số tuyến cáp khác như Liên Á, SMW3 cũng gặp sự cố vài lần trong vài năm trở lại đây.
Nguyên nhân do đâu?
Theo ông Trần Mạnh Hùng – chủ tịch hội đồng thành viên VNPT, nguyên nhân đứt cáp biển (như sự cố xảy ra với cả ba tuyến cáp AAG, Liên Á, SMW3 từ cuối tháng 8-2017) không phải do thiết kế có vấn đề mà do mật độ các tuyến cáp quang biển hiện nay khá dày đặc, nhất là những khu vực đi vào các cảng Singapore hay Hong Kong. Tuyến cáp đi vào các cảng này rất dễ bị ảnh hưởng do mật độ hoạt động mạnh của tàu thuyền, đặc biệt là các tàu siêu trọng tải.
Cũng theo ông Hùng, ở các vùng biển gần, cáp quang có hai lớp bọc thép nhưng ở vùng biển sâu chỉ có một lớp bọc thép, không “thấm” gì so với mỏ neo các tàu chở hàng. Đó là chưa kể đến tuyến cáp có thể nằm trong khu vực nứt gãy địa chấn…
Tuy nhiên, lãnh đạo một nhà mạng (đề nghị không nêu tên) khác lại tiết lộ với Tuổi Trẻ: “Riêng tuyến cáp quang biển AAG phải thừa nhận trong quá trình xây dựng, nhà thiết kế kỹ thuật đã làm chưa chuẩn, cho nên tần suất đứt mới trở nên khá dày đặc như hiện nay. Phần khảo sát thiết kế tuyến AAG thực hiện không được tốt có thể do rủi ro, cũng có thể do năng lực của nhà thầu tại thời điểm xây dựng”.
Nhà mạng ra sức khắc phục
Qua các sự cố, các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã có nhiều phương án giảm thiểu ảnh hưởng. Chẳng hạn, đại diện VNPT cho biết họ tổ chức định tuyến lưu lượng qua hướng ưu tiên, xây dựng phương án mở ứng cứu thêm lưu lượng trên các hướng cáp khác (tuyến cáp APG, CSC), tập trung nguồn lực về nhân sự và công nghệ, tăng cường kiểm tra để các tuyến cáp đất liền hoạt động ổn định…
Các nhà mạng khác cũng cho biết một số cách giải quyết như: ưu tiên các khách hàng thuê kênh truyền; các dịch vụ có lưu lượng khách hàng sử dụng nhiều nhất như Facebook, YouTube… Nhà mạng cũng ưu tiên chuyển hướng cho các khách hàng quan trọng, các quán game, doanh nghiệp…
Về lâu dài, các nhà mạng đều cho biết họ nhận thức được việc phát triển thêm các tuyến cáp quang biển khác là giải pháp số 1 để vừa giảm thiểu phụ thuộc vào AAG, vừa tăng thêm lưu lượng kết nối theo nhu cầu ngày càng tăng của người dùng Việt Nam. Tuy nhiên thời gian xây dựng một tuyến cáp quang biển không thể một sớm một chiều (như tuyến cáp APG được lên kế hoạch từ năm 2009 và đến cuối 2016 mới đưa vào hoạt động).
Hiện tại các doanh nghiệp viễn thông trong nước đều đã tham gia các liên minh đầu tư xây dựng và khai thác các tuyến cáp quang biển mới để giảm phụ thuộc vào AAG. Chẳng hạn tuyến cáp quang biển APG được đưa vào hoạt động cuối năm 2016 vừa qua, có chiều dài 10.400km, đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, kết nối các điểm ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Với băng thông tối đa lên đến 54Tbps, APG là tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất hoạt động tại châu Á. Bên cạnh APG còn có thêm tuyến cáp quang AAE-1 (Asia Africa Euro 1) kết nối các nước châu Á đến châu Âu và châu Phi. Sự xuất hiện của các tuyến cáp mới đã giúp tốc độ kết nối Internet đi quốc tế của người dùng Việt ngày càng ít bị ảnh hưởng hơn mỗi khi có sự cố trên tuyến cáp AAG.
Và trong khi chờ những tuyến cáp quang mới này, người dùng Internet, đặc biệt là doanh nghiệp vẫn… thót tim khi nghe sự cố đứt cáp.
Ông Huỳnh Thanh Phi (chuyên gia marketing):Các nhà mạng không thể “bất khả kháng” mãi được
Tôi nghĩ chất lượng đầu tư các tuyến cáp này có vấn đề, các nhà mạng không thể chỉ nói với người tiêu dùng rằng “đứt cáp” rồi chờ giải quyết qua ngày này tháng nọ được.”Đứt cáp” là một nguyên nhân “bất khả kháng” để các nhà mạng giải thích với người dùng về chất lượng và tốc độ chậm chạp quá mức. Là một người dùng, tôi không thể biết được đây có phải là một lý do chính đáng hay không khi thời gian gần đây lý do này trở nên thường xuyên hơn.Các nhà mạng Việt Nam cần thể hiện vai trò của một nhà đầu tư một cách mạnh mẽ, hơn là một đơn vị chỉ biết chuyển tiếp các thông tin cho người dùng và giao phó trách nhiệm này cho “bất khả kháng”!
Cáp quang biển chiếm 90%
Cáp quang AAG
Một nguyên lãnh đạo ngành thông tin truyền thông cho biết kết nối viễn thông Việt Nam đi quốc tế hiện nay có ba hướng gồm vệ tinh, cáp quang đất liền và cáp quang biển. Trong đó cáp quang biển chiếm khoảng 90%, còn lại là cáp đất liền.
“Vệ tinh gần như không đáng kể vì dung lượng đường truyền thấp, giá cả lại vô cùng đắt đỏ. Như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, hệ thống cáp quang biển được xem là cầu nối các dịch vụ viễn thông, Internet của Việt Nam đến các nước, các châu lục khác trên thế giới.
Hiện chúng ta đang khai thác một số tuyến cáp quang biển như: AAG (Asia America Gateway), APG (Asia Pacific Gateway), Liên Á (IA – Intra Asia), SMW-3…” – vị này nói.
Nguồn: tuoitre.vn