Mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), người xanh xao, luôn mệt mỏi nhưng cô học trò nghèo, ở nhà tình thương này luôn cố gắng học tập với ước mơ làm cô giáo.

Vượt lên bệnh tật với ước mơ làm cô giáo - Ảnh 1.

Lâm Thị Tuyết Nghi phụ giúp nấu cơm cho gia đình

Tại buổi khai giảng năm học 2017-2018 của trường THPT Lê Anh Xuân (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre)  nhiều người bắt gặp hình ảnh cô học trò ngồi hàng đầu dưới sân trường, người xanh tái như không có máu.

Em cố gắng học để sau này được làm cô giáo để giúp đở những học sinh nghèo như thầy cô đã giúp đỡ hoàn cảnh của em”.

Lâm Thị Tuyết Nghi

Chúng tôi đến nhà Nghi ở ấp Tân Thuận Trong, xã Tân Phú Tây, được gia đình em cho biết: Năm 2011, Tuyết Nghi hay chóng mặt, buồn nôn, người xanh xao, gia đình đưa đi bệnh viện, bác sĩ kết luận là Nghi mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), bệnh này phải truyền máu mới sống.

Từ đó mỗi tháng gia đình đưa Nghi đến bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM để truyền máu, khi thì một bịch, khi phải hai bịch mới đủ máu nuôi sống em.

Là gia đình nghèo không đất canh tác và ở đậu trên đất của nhà thờ Tân Phó, những năm 2011-2013 gia đình chưa được cấp sổ hộ nghèo và BHYT, chi phí một lần truyền máu cho Nghi: 1,4 triệu đồng và tiền đi xe đò từ nhà đến bệnh viện ở TP.HCM gần 400.000 đồng.

 Số tiền này thực sự quá sức với gia đình ở nông thôn không có đất canh tác và việc làm ổn định. Cha của Nghi làm công thuê mướn ở nông thôn nhưng sức khỏe ông không được tốt do mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, những hôm bệnh hành đau nhức, ông không thể đi làm thuê được.

Vượt lên bệnh tật với ước mơ làm cô giáo - Ảnh 3.

Những lúc không mệt, Tuyết Nghi tranh thủ phụ chuốt lá giúp mẹ

Tiền làm công kiếm được phần lớn dành dụm đến kỳ truyền máu cho con, ông không dành phần nào chữa bệnh cho mình nên bệnh ngày càng nặng và một chân bị teo cơ, đi lại khó khăn.

Mẹ Nghi làm nghề chằm lá dừa nước dùng lợp nhà và chuốt cọng lá dừa bán cho cơ sở bó chổi. Mẹ Nghi, bà Nguyễn Mộng Thu cho biết: thu nhập của gia đình cái ăn đã thiếu, khi đến kỳ truyền máu cho Nghi, phải mượn hoặc vay.

Thường bà tìm người cần lá lợp nhà xin mượn tiền trước giao lá chằm sau. Tiền bán lá chằm không nhiều nên phải mượn thêm tiền của người thân thuộc. Người thân cho mượn nhưng hỏi hoài, cũng ngần ngại….

Chi phí truyền máu, xe đò đi lại tốn kém như vậy nên những lần sau đó mẹ Nghi chở em bằng xe hon da. Những năm Nghi còn nhỏ, ngồi xe hay ngủ gục, bà dùng dây buộc con vào thắt lưng của mình cho khỏi té.

Từ cuối năm 2013 đến nay, gia đình Nghi được cấp sổ hộ nghèo, thẻ BHYT, Chi phí truyền máu được thanh toán nhưng tiền xét ngiệm và thuốc, gia đình phải chi trả mỗi lần là 850.000 đồng.

Được cấp sổ hộ nghèo, gia đình được ngân hàng chính sách cho vay và mẹ của Nghi sử dụng tiền này chuộc số vàng trả lại người thân.

Đến nay tiền nợ ngân hàng vẫn chưa trả được bởi gia đình này không phải có một người con mắc bệnh tan máu bẩm sinh mà chị của Nghi là Lâm Thị Tuyết Vân đang theo học ở trường dòng tu Cái Mơn cũng mắc chứng bệnh như Nghi.

Biết hoàn cảnh nghèo, con bệnh nặng, nhà thờ Tân Phó đồng ý cắt cho phần đất gia đình Nghi đang ở đậu để chính quyền địa phương xây tặng nhà tình thương.

Nghi bị bệnh trong người luôn mệt mỏi nhưng mỗi khi cơn bệnh dịu di một chút là em gượng dậy học bài, phụ giúp việc nhà cho cha mẹ như: nấu cơm, chuốt cọng dừa cho mẹ bán lấy tiền lo cho gia đình.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Nghi cho biết: “Em cố gắng học để sau này được làm cô giáo để giúp đở những học sinh nghèo như thầy cô đã giúp đỡ hoàn cảnh của em”.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng “Đèn đom đóm”, trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh ThalassemiaĐèn đom đómhộ nghèohọc trò nghèotan máu bẩm sinhước mơ

Các tin liên quan đến bài viết