Chiều 17-10, lãnh đạo Công an huyện Ea H’Leo – xác nhận đã bắt thêm 6 thanh niên đốn hạ một cây thông nước – còn gọi là thủy tùng.
Sau ba ngày truy lùng, công an đã bắt giữ sáu thanh niê gồm: Y Lâm, Y Loan Ksor, Y Liêm, Y Nhia, Y Táh ADrơng, Y Diêm ADrơng buôn Ariêng B (xã Ea Rah, huyện Ea H’leo).
“Hiện cơ quan công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo công an huyện thông tin.
Trước đó, Y Truôi ADrơng (19 tuổi, trú buôn Ariêng B, xã Ea Rah) bị kiểm lâm khu bảo tồn thông nước Ea R bắt giữ tại hiện trường và bàn giao cho công an sáng 15-10.
Ông Trần Xuân Phước – giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk – cho biết khoảng 2h ngày 15-10, lợi dụng trời mưa to, 7 thanh niên nêu trên đã đột nhập vào vào Trạm Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Ea Ral tại thôn 4, xã Ea Rah, huyện Ea H’leo cưa trộm một cây thủy tùng.
Khoảng 9h30 cùng ngày, khi đang vận chuyển gỗ thủy tùng bằng xe kéo ra ngoà, cả nhóm bị phát hiện. Cơ quan chức năng bắt giữ tại hiện trường thanh niên Y Truôi ADrơng, 6 thanh niên khác bỏ trốn.
Dựa vào lời khai của Y Truôi, công an bắt được 2 người; 4 người khác ra đầu thú.
Theo hồ sơ bàn giao năm 2010, cây thủy tùng này có tuổi thọ trên 500 tuổi và có đường kính thân cây 50-60cm.
Năm 2010, khi bàn giao cây thủy tùng này đã bị cắt phần ngọn. Trong lần trộm này, 7 thanh niên cưa thêm hai khúc phía trên, khoảng 1m/khúc rồi hạ xuống đất để tẩu tán. Nhóm này không dám đốn hạ gốc vì sợ bị phát hiện nên mới cắt từ trên xuống. Hiện cây thủy tùng mất ngọn còn khoảng 5-6m.
Trần Xuân Phước – giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk
Thủy tùng đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng
Thủy tùng tên khoa học là (Glyptostrobus pensilis) thuộc “nhóm IA”, loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hiện trên thế giới có ba khu vực còn ghi nhận loài này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam.
Tại Việt Nam thủy tùng chỉ còn phân bố 2 quần thể tự nhiên ở Đắk Lắk gồm 14o cây tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, 21 cây tại xã Ea Hồ, huyện Krông Năng và 1 cây tại thị xã Buôn Hồ.
Để bảo tồn loài thông nước có nguy cơ tuyệt chủng, Đắk Lắk đã thành lập hai khu bảo tồn Trấp Ksơr, Ea Ral và nghiên cứu, nhân giống loài cây này.
Tuy nhiên đến nay việc nhân giống, trồng lại môi trường vẫn chưa thành công trong khi nạn cưa trộm thủy tùng vẫn diễn ra…