Cây điều hiện nay đã trở thành cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở một số tỉnh từ duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên và đặc biệt là các tỉnh miền Đông Nam bộ. Cả nước có khoảng 350.000 ha, riêng Bình Phước đã chiếm đến 173.840 ha (gần 50%) nên Bình Phước được mọi người gọi là thủ phủ của cây điều và tỉnh cũng coi cây điều là cây mũi nhọn của tỉnh.

Cây điều rất dễ trồng, những năm điều không được giá, đa số bà con trồng theo phương pháp quảng canh: Trồng giống thực sinh, không bón phân, không chăm sóc nhưng đến mùa vẫn có thể thu hoạch được từ 300-800 kg nhân/ha. Từ lúc giá điều thế giới tăng thì điều bà con đã chú ý áp dụng kỹ thuật nên điều đã đạt năng suất từ 3-5 tấn nhân/ha. Từ đó, ngành điều Việt Nam đã góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu điều của thế giới.

37
Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền.

Cây điều có thể trồng được trên nhiều loại đất, chịu được khô hạn nhưng cây điều cũng bị nhiều loại sâu bệnh phá hoại. Nhưng nguy hiểm nhất là bọ xít, muỗi và bệnh thán thư. Bọ xít muỗi chích hút đọt non, mầm non và hoa của điều. Khi đọt non nhú ra, bọ xít tập trung chích hút, làm cho lá non và đọt non bị xoăn lại, không thể phát triển được đến lúc cho hoa, những cành ra hoa, bọ xít chích hút nhựa làm hoa bị thui không có phấn nên không đậu trái, những cành cho trái nếu bị bọ xít chích hút thì trái bị vẹo không phát triển bình thường. Bệnh thán thư cũng tấn công vào lá non, quả non, cành non làm cho khô héo, những năm mưa nhiều, độ ẩm cao, nhiệt độ cao thì thán thư phát triển thuận lợi. Những nghiên cứu cho thấy các vườn trồng quảng canh, thiếu chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng kỹ thuật thường bị bệnh thán thư nặng hơn.

Để đối phó với bọ xít, muỗi và bệnh thán thư, bà con nên lưu ý áp dụng kỹ thuật canh tác hợp lý, trồng giống điều ghép có nguồn gốc tốt, bón phân cân đối, nên sử dụng nhiều phân hữu cơ, sử dụng N-P-K chuyên dùng cho cây điều, tránh bón đạm đơn độc hay bón tỷ lệ đạm cao. Cần phát quang và làm vệ sinh cây cỏ quanh vườn cho thoáng để cắt nguồn cư trú của muỗi và các nguồn bệnh khác, bà con chú ý thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh.

Khi phát hiện có hiện tượng bọ xít muỗi thì tập trung phun xịt cẩn thận, chú ý các cành có lá non mới bung ra. Thông thường sau khi thu hoạch bà con bón phân, chăm sóc để cây khỏe, cành lá ra nhiều, bước vào mùa khô cây ra nụ và sau đó ra hoa, cho trái vào cuối mùa khô, thu trái từ tháng 4 cho đến tháng 6. Do đó, bà con nên chú ý đến thời kỳ này để giảm tác hại bọ xít, muỗi chích hút lá non, hoa, cũng như trái non. Nếu bà con giữ được vườn thông thoáng thì sẽ có ít muỗi và thán thư. Trong việc phòng trừ sâu bệnh thì bà con chú trọng phòng ngừa là chính.

Hiện tại, đang là mùa mưa, vườn điều đang cho lá non, cành non và đang bị bọ xít muỗi, bệnh thán thư gây hại. Bà con cần khoanh vùng, khoanh vườn để phun xịt cho có hiệu quả, đồng thời chăm sóc tốt để điều ra cành, ra lá tốt thì đến mùa khô sẽ có nhiều nụ, dẫn đến nhiều hoa và vẫn có khả năng có nhiều trái.

 Lê Quốc Phong

Nguồn: Báo Người tiêu dùng

Từ khóa : cây công nghiệpcây điềuLê Quốc Phongphân bónPhân bón Đầu trâuSâu bệnh

Các tin liên quan đến bài viết