“Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” là yêu cầu trong hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học 2017-2018.
Trong văn bản này, Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục, bổ sung những thông tin mới phù hợp thay cho các thông tin đã lạc hậu.
Những nội dung, bài tập, câu hỏi khó, vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành sẽ không dạy.
Những yêu cầu này đều hợp lý.
Duy chỉ có chỉ đạo không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa gây xôn xao trong giáo giới vì nó trái với quan điểm chỉ đạo trước đây của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Tại nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ trước đây đều cho rằng giáo viên có thể thoát ly sách giáo khoa, chỉ coi đó là một tài liệu chính trong nhiều tài liệu để thiết kế bài giảng.
Việc quản lý chuyên môn, kiểm tra đánh giá chỉ căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng đã ban hành.
Với quan điểm này, giáo viên có thể linh hoạt, sáng tạo thiết kế bài giảng từ nguồn tài liệu giáo viên khai thác, từ thực tế cuộc sống.
Khi Bộ Giáo dục và đào tạo có văn bản cho phép các nhà trường thực hiện chương trình nhà trường (chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục) thì việc “thoát ly khỏi sách giáo khoa” càng là vấn đề mà các nhà trường phải tính đến.
Trên thực tế, nhiều trường đã dựa vào chương trình giáo dục phổ thông của Bộ ban hành để xây dựng chương trình giáo dục của trường mình theo hướng mở, linh hoạt.
Nhưng với văn bản hướng dẫn mới nhất này, các nhà trường sẽ phải xem xét lại chương trình dạy học để “chỉ bám sát sách giáo khoa”.
Đây cũng là điều đi ngược với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua.
Nguồn: tuoitre.vn