Cử tri Trần Văn Trai đặt câu hỏi này tại buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM sáng 15-10.
Buổi tiếp xúc có mặt các đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân – bí thư Thành ủy TP.HCM, trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết – phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM và ông Trần Anh Tuấn – quyền viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Tôi đề nghị UBND TP theo sát quá trình xử lý của Thanh tra Chính phủ về dự án này. Khi có kết luận phải sớm cụ thể hóa ngay. Sớm họp với bà con thông tin rõ phần việc của TP, của huyện phải làm. Tôi rất hi vọng sẽ sớm có kết quả xử lý để báo cáo trước kỳ họp HĐND TP vào tháng 12 tới
Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN
“Phung phí tài sản”
Dự án treo công viên Sài Gòn Safari tiếp tục là vấn đề bị người dân bức xúc nhiều nhất.
Nói về việc 13 năm dự án này bị “treo”, gần 500 ha đất của dân bị thu hồi bỏ hoang, cử tri Trần Văn Trai đặt câu hỏi: “Các vị thử tính sẽ làm thiệt hại của dân bao nhiêu tiền?”.
Ông Trai nhẩm tính, chỉ cần mỗi năm 1ha mang lại 30 triệu đồng lợi nhuận thì số tiền lẽ ra nông dân hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng thu được từ gần 500 ha đất nông nghiệp bị thu hồi này đã là con số rất lớn.
Cử tri Đoàn Văn Xuân so sánh: “Trong khi nhiều nông dân không có công ăn việc làm thì 13 năm nay đất của dự án bỏ hoang, xơ xác tiêu điều. Phung phí tài sản đến cỡ nào?”.
Ông Xuân cũng cho rằng bản thân ông và nhiều người dân không đồng ý giá đền bù. Đã khiếu nại nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
“Hãy trả lời là dân đúng hay sai. Nếu dân sai thì cũng nói. Còn nếu cán bộ sai thì hãy xử lý cán bộ” – ông Xuân kiến nghị.
Chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ
Trước các ý kiến của nhiều cử tri về dự án này, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Việt Dũng cho biết về những vấn đề người dân khiếu nại, UBND huyện đã mời dân lên đối thoại nhưng dân không đồng ý, khiếu nại lên cấp TP.
Sau đó TP tiếp tục giải quyết đối thoại, nhưng vẫn không được dân đồng ý và khiếu nại lên đến Thanh tra Chính phủ, và cơ quan này đã vào làm việc.
“Hiện Thanh tra Chính phủ đang tham mưu cho Thủ tướng kết luận. Khi Thủ tướng kết luận, huyện Củ Chi sẽ thực hiện nghiêm, mong cô bác yên tâm. Ai đúng ai sai sẽ làm rõ” – ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết kèm theo dự án Sài Gòn Safari có dự án tái định cư cho dân với 28 ha. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án tái định cư lại tiếp tục vướng khi một số vướng mắc về đền bù của người dân chưa được giải quyết.
“Vì vậy dự án tái định cư hiện vẫn tạm ngưng. Khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ chúng tôi sẽ triển khai tiếp” – Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết.
Thanh tra TP.HCM: “Mong bà con chờ đợi”
Dự án này muốn làm cho nhanh nhưng nhanh không được. Chậm thì có nhiều nguyên nhân, 500 ha đâu có nhỏ, phải kêu gọi đầu tư các nơi. Chậm “chút xíu” mong bà con chia sẻ. Có muốn nhanh hơn nữa bà con cũng phải chờ
Phó chánh Thanh tra TP.HCM LÊ VĂN HÙNG
Được lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM yêu cầu, ông Lê Văn Hùng – phó chánh Thanh tra TP.HCM – đã trả lời người dân Củ Chi về dự án này.
Ông Hùng cho biết dự án Sài Gòn Safari là dự án tầm quốc gia, Thủ tướng ra quyết định thu hồi, pháp lý đều rất đúng. Phương án bồi thường cũng không phải Củ Chi làm mà chỉ đề xuất để TP hợp thức phê duyệt.
“Do đó phương án bồi thường đúng hay sai Thanh tra TP không dám nói mà phải chờ Thanh tra Chính phủ. Còn ai có sai phạm thì Thành ủy đã chỉ đạo dứt khoát ai làm sai nghiêm túc xử lý trách nhiệm. Đúng sai cô bác yên tâm” – ông Hùng trấn an.
Ông Hùng cho biết dự án đã hoàn thành việc bồi thường được 98%, chỉ còn 15 hộ chưa đồng ý. Ông cũng khẳng định sẵn sàng tiếp bà con bất cứ lúc nào và cũng thường xuyên báo cáo tâm tư nguyện vọng của bà con.
Dự án treo 13 năm
Cử tri Đoàn Văn Xuân thắc mắc về dự án Thảo Cầm Viên Sài Gòn “đắp chiếu”
Dự án công viên Sài Gòn Safari (Thảo Cầm viên mới) nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi, có diện tích hơn 485 ha, được cấp phép từ năm 2004 do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau hơn 13 năm phê duyệt, công viên này vẫn chỉ ở tình trạng “treo” và trở nên hoang hóa.
Tháng 3-2017, UBND TP.HCM có quyết định điều chỉnh quy hoạch, trong đó dành có 180ha đất dành cho khách sạn (dạng biệt thự nghỉ dưỡng), vui chơi, giải trí .
Nguồn: tuoitre.vn