Mặc dù luật quy định bắt buộc phải công bố lịch tiếp công dân của người đứng đầu bộ, ngành, nhưng Ban Dân nguyện kiểm tra chỉ thấy Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin – truyền thông thực hiện.i
Đây là nội dung rất đáng chú ý vừa được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11-10 trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3.
34 tỉnh, thành không công bố lịch tiếp công dân
Bà Hải cho biết các quy định về công khai, minh bạch trong công tác điều hành, quản lý đã được nêu trong nhiều văn bản pháp luật (Luật Đất đai, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra, Pháp lệnh Dân chủ cơ sở…).
Nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế của một số cơ quan, đơn vị còn rất hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định này chưa hiệu quả, chưa thường xuyên, chưa kịp thời.
Ví dụ, Luật Tiếp công dân quy định lịch tiếp công dân của Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp phải niêm yết công khai tại Trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân của cơ quan và công bố trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, UBND tỉnh, TP.
“Tuy nhiên, qua việc truy cập vào Cổng thông tin điện tử của các cơ quan này cho thấy chỉ có 28/63 tỉnh có công bố lịch tiếp công dân; 34/63 tỉnh không công bố; 1 tỉnh không truy cập được”.
“Chỉ có 2/22 bộ, cơ quan ngang bộ có công bố lịch tiếp công dân (Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin truyền thông); 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ không công bố lịch tiếp công dân (số liệu được lấy vào ngày 25-9-2017)” – bà Nguyễn Thanh Hải nói.
“Đề nghị Thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong công tác tiếp công dân tại các bộ, ngành, địa phương đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật Tiếp công dân”
Bà Nguyễn Thanh Hải
Một số trả lời chưa thỏa đáng
Bên cạnh những nỗ lực trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước, thì công tác này còn những tồn tại được Ban Dân nguyện chỉ ra, như một số kiến nghị đã được bộ, ngành trả lời nhưng chưa thỏa đáng, không rõ ràng, không phù hợp với thực tiễn nên cử tri tiếp tục kiến nghị.
Bà Hải nêu: Cử tri các tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc kiến nghị về vấn đề xử lý các trường hợp lạm thu tại các cơ sở giáo dục công lập và tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời “đã chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi chưa đúng quy định của Nhà nước, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, đổi mới thi, kiểm tra; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường quản lý giáo viên trong chương trình dạy học…”.
Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị về việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 27 đoạn từ Krông Nô, Đắk Lắk đến Liên Khương, Lâm Đồng, Bộ Giao thông Vận tải trả lời “sẽ chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam tăng cường công tác duy tu, sửa chữa và bảo đảm an toàn giao thông”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, trong 8 năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản trả lời nhưng hiện nay tuyến Quốc lộ 27 đã xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn hư hỏng nặng.
Ngoài ra, vẫn còn tới 570 ý kiến, kiến nghị các cơ quan chức năng đang “nợ” cử tri. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý đây là một trong những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
“Điểm nóng” BOT giao thông
Đây là vấn đề được nêu khá đậm trong cả báo cáo của Ban Dân nguyện và Ủy ban Trung ương MTTQ VN.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Bùi Thị Thanh, cử tri và Nhân dân đánh giá cao chủ trương của Nhà nước về việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập. Ngoài ra hệ thống hành lang pháp lý chưa rõ ràng, công tác quản lý Nhà nước về dự án BOT còn bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí và thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.
Nhiều người dân thể hiện thái độ không đồng tình trước việc đặt các trạm thu phí quá dày, không phù hợp, mức phí quá cao, không hợp lý; việc chỉ định thầu còn sai phạm, thiếu công khai, minh bạch.
Bà Nguyễn Thị Thanh
“Khẩn trương đồng bộ hóa và áp dụng công nghệ thông tin trong thu phí để giảm thất thoát và tránh ùn tắc; nghiên cứu xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án” – bà Thanh nói.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại kỳ này cử tri quan tâm đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc đầu tư thực hiện dự án BOT; rà soát, thanh tra, kiểm tra các vị trí đặt trạm thu phí đảm bảo đúng quy định của pháp luật về khoảng cách.
Nguồn: tuoitre.vn