3 trận thua liền mạch cùng 3 tấm thẻ đỏ cũng liên tục, HAGL để lại ấn tượng trái ngược hoàn toàn với cách bầu Đức cố công gầy dựng tập thể này hơn chục năm trước.
Trăm dâu đổ đầu HLV Quốc Tuấn
Tâm điểm sau trận thua thứ 3 liên tục của HAGL mới đây chính là HLV Nguyễn Quốc Tuấn. Ông tướng được chính bầu Đức dựng lên để thay thế HLV Guillaume Graechen cách đây 2 năm bị cho là tội đồ trong chuỗi thất bại đáng buồn của CLB. Điều không lạ trong bóng đá: Đội bóng thua, HLV trưởng chịu hoàn toàn trách nhiệm.
HLV Quốc Tuấn bị đánh giá có vấn đề về chuyên môn khi ra nhiều quyết định khó hiểu từ cách sử dụng nhân sự xuất phát, thay người và cả chiến thuật thi đấu. Điển hình như trong trận thua ngược S. Khánh Hòa BVN gần nhất, HAGL chủ yếu sử dụng lối chơi bóng dài và nhắm vào cái đầu của 2 ngoại binh vốn chơi ở hàng thủ lên tham gia tấn công. Hôm đó, Motta đã có 1 bàn thắng trước khi ức chế nhận thẻ đỏ cuối trận và Fehr nếu “may mắn” hơn cũng làm được điều tương tự.
Không may cho HLV Quốc Tuấn bởi ông đang đứng mũi chịu sào ở CLB có lượng CĐV hùng hậu nhất đất nước. Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh được yêu mến đến độ mọi sai lầm của họ có thể dễ dàng được bỏ qua, trong trường hợp HAGL sa sút, lỗi đương nhiên không đến từ những người chơi bóng trên sân mà ở ông thầy chỉ đạo ngoài đường biên.
Ở buổi họp đội sau trận thua bạc nhược trên sân Nha Trang mới đây, bầu Đức đã ra tay bảo vệ HLV Quốc Tuấn, người theo ông không có lỗi nhiều trong chuỗi bại trận của đội nhà. Bầu Đức cho ông Tuấn thêm cơ hội bởi 2 năm trước đây, chính nhờ tài điều binh của ông Tuấn ở 5 lượt trận cuối, HAGL đã qua cơn hiểm nghèo một cách ngoạn mục. Nếu năm đó bầu Đức không dũng cảm đưa ra quyết định gạt bỏ công thần Graechen, chưa biết tình cảnh HAGL sẽ đi đâu về đâu. Đến mùa giải 2016, HAGL cứng cáp hơn với lối đá sở trường và vẫn chinh phục được tình cảm của các CĐV. Có điều V-League 2017 đang quá tầm kiểm soát của cựu thủ môn HAGL.
“Những đứa trẻ nhà bầu Đức” đã trưởng thành
Dân trong nghề đều thấu hiểu, trước HLV Quốc Tuấn, nhiều HLV tầm cỡ đến rồi đi rất nhanh. Ngay cả các HLV nổi danh với các CLB sau này như Choi Yoon Gyum hay Kiatisak cũng không thể cứu nổi “Gỗ” sau thời hoàng kim đầu những năm 2000.
Ở “Gỗ”, ông Tuấn không hề có “thượng phương bảo kiếm” để điều khiển những ngôi sao có thể xem như “bất khả xâm phạm”. Sau một kỳ SEA Games thất bại, dễ nhận thấy đội hình HAGL (nòng cốt của U22 Việt Nam) tụt dốc thảm hại từ chuyên môn đến tinh thần thi đấu. Công Phượng dù vẫn đeo băng đội trưởng HAGL, vẫn ghi bàn và cười nhiều hơn trên sân bóng, nhưng giờ không nhiều người đánh giá cao cầu thủ này. Thế nhưng, dù tiền đạo xứ Nghệ không có phong độ cao lại vẫn được trao trọn niềm tin, hơn hẳn phần còn lại. Tương tự là hậu vệ Vũ Văn Thanh, người chỉ là cái bóng của mình so với thời gian trước đó.
Những cái tên được HLV Quốc Tuấn tin tưởng không còn là chính mình, nhưng thuyền trưởng HAGL khó chọn cách làm khác để đối đầu với dư luận, điều ông Tuấn đã có vô số bài học từng gây thiệt thòi cho bản thân. Cái “khổ” của ông chính là lượng CĐV hùng hậu của Học viện HAGL – JMG chưa thể làm quen với cách “những đứa trẻ nhà bầu Đức” trưởng thành và “thích nghi” với V-League.
Nguồn soha.vn