Trong khi các dự án (DA) theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt những sai phạm trong việc kêu gọi đầu tư, thực hiện kiểm tra giám sát… thì tại các địa phương DA BOT vẫn đang được coi là “miếng bánh” để nhà đầu tư (NĐT) chia nhau. Chỉ cần có giấy chứng nhận đầu tư DA, được HĐND tỉnh thông qua là chủ đầu tư (CĐT) có thể “hốt” cả nghìn tỷ đồng.

Trạm thu phí QL 13 đoạn qua Bình Phước.

Con đường đau khổ

Tuyến quốc lộ (QL) 13 và QL 14 đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước được người dân sống hai bên đường hoặc thường xuyên đi qua đây đặt cho cái tên “con đường đau khổ”.

Thực tế, khoảng hơn 10 năm trở về trước tỉnh Bình Phước đã có chủ trương kêu gọi đầu tư, nâng cấp các tuyến đường này theo hình thức BOT. Cũng từ đó, khi được triển khai đầu tư thực hiện DA người dân phải chịu cảnh mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi bẩn. Phương tiện giao thông mỗi khi đi qua đây phải gồng mình “đánh võng” trước những ổ gà, ổ voi bủa vây. Tuy là QL, nhưng hai tuyến giao thông này được UBND tỉnh Bình Phước đứng ra kêu gọi NĐT thực hiện đầu tư, nâng cấp theo hình thức BOT. Đã có bốn DA được chia đều hai tuyến QL để đầu tư thực hiện.

Đầu tiên là DA BOT tuyến QL 13 từ Km62+700 (cầu Tham Rớt – tỉnh Bình Dương) đến thị trấn An Lộc dài 32,3km, được Cty CP Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước làm CĐT. Dự án được thực hiện từ năm 2004 đến năm 2008 bắt đầu thu phí BOT, 3 DA còn lại được ký kết thực hiện đầu tư trong các năm 2009, 2010. Nhưng do gặp phải thời kỳ khủng hoảng kinh tế cả ba DA trong tình trạng đình trệ kéo dài. Đến năm 2013, trên tuyến QL 14 DA BOT đoạn từ Cây Chanh – Cầu 38 do gặp khó khăn tỉnh Bình Phước đã không có đủ vốn đối ứng nên được Bộ GTVT dùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư; DA BOT QL 14 đoạn Cầu 38 – Đồng Xoài đã buộc phải điều chỉnh thu hẹp mặt đường để giảm chi phí đầu tư và đến nay DA đã đưa vào sử dụng nhưng CĐT và tỉnh Bình Phước vẫn chưa thống nhất được về chi phí đầu tư, chưa quyết toán công trình.

Riêng DA BOT QL 13 đoạn từ thị trấn An Lộc đến ngã tư Chiu Riu (đi qua thị trấn Lộc Ninh) có chiều dài 32,77 km được ký hợp đồng từ tháng 11/2010 nhưng đến cuối năm 2016 mới hoàn thành giai đoạn I và đưa vào thu phí; giai đoạn II còn hơn 7 km đi qua thị trấn Lộc Ninh hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Nói về tuyến QL 13, ông Hoàng Nhật Tân – Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh nhận định: “Giờ đây tuyến đường cơ bản đã được hoàn thành, việc đi lại của người dân đã bớt khổ”.

Theo ông Hoàng Nhật Tân, việc chậm trễ thi công kéo dài của các DA BOT là do CĐT yếu về nguồn lực tài chính và vướng vào mớ bùng nhùng giải phóng mặt bằng (GPMB).

Tuy nhiên, khi nói về tuyến đường này, một cán bộ huyện Lộc Ninh cho rằng: Thoát cảnh ổ gà, ổ voi, bụi bặm trên đường thì người dân Lộc Ninh đang phải chịu thêm sự đau khổ khi phải trả cước phí gần ngang với tiền đổ xăng cho một chuyến xe đi từ huyện lên tỉnh. Hiện với 58,280 km đường BOT nhưng có đến ba trạm phí, với mức thu cước phí loại phương tiện ôtô thấp nhất dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới hai tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng phải trả 55.000 đồng/ba trạm.

Thực tế, nỗi khổ của người dân khi tham gia giao thông trên tuyến QL 13 kéo dài từ khi triển khai đầu tư và nỗi đau này đang tiếp tục kéo dài thêm vì phải đóng phí quá cao. Trái ngược với tình cảnh ấy CĐT DA BOT QL 13 đoạn từ cầu Tham Rớt – An Lộc lại đang ung dung “hốt” bạc. Với 32,3km đường nhưng Cty CP Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước đã được phê duyệt lắp đặt hai trạm thu phí BOT.

Ông Võ Phi Bảo – Phó Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước cho biết: Trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 lượt xe đi qua hai trạm (trạm đầu khoảng 4.000 xe và trạm thứ hai khoảng 3.000 xe), trong đó loại xe giá phí thấp nhất chiếm khoảng 30% và loại phí cao nhất chiếm khoảng 20% (chủ yếu là xe chở xi-măng, clinker của Cty CP xi-măng Hà Tiên Bình Phước). Từ năm 2015, giá phí qua các trạm được tăng lên với giá thấp nhất là 20.000 đồng/lượt/trạm và cao nhất là 90.000 đồng/lượt/trạm. Lấy trung bình khoảng 50.000 đồng/lượt/xe thì mỗi ngày CĐT thu về khoảng 350 triệu đồng, tương đương khoảng 127 tỷ đồng/năm. Với mức phí và thời gian thu phí được giữ nguyên, chỉ cần tính thời gian thu phí BOT còn lại của DA là 16 năm (trừ thời gian khoảng chín năm đã thu từ 2008 đến nay) thì số tiền thu về của chủ đầu tư khoảng hơn 2.000 tỷ.

Trong khi đó, theo ông Võ Phi Bảo, DA đầu tư ban đầu là 290 tỷ đồng và đến nay cộng với các khoản trùng tu, sửa chữa, nâng cấp đường thì tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Nhìn vào đây thấy được là trừ đi những khoản chi phí ban đầu, CĐT này có thể “hốt” thêm 1.500 tỷ đồng?.

Ai giám sát, ai là người hưởng lợi?

Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại 43 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các DA BOT. Để thực hiện được các DA BOT tại các địa phương phải được HĐND thông qua, kiểm soát chặt chẽ của UBND tỉnh, thành phố, Sở GTVT, Sở Tài chính, Cục thuế… thời gian thu phí, nâng giá phí đều phải được HĐND phê duyệt.

Tuy vậy, với những diễn biến về thực trạng đầu tư của các DA BOT tại một số địa phương như hiện nay, có thể đặt câu hỏi: Ai giám sát, ai là người được lợi?

Trong khi đó, giải thích về việc tăng giá và kiểm soát nguồn tiền thu về hàng ngày tại hai trạm thu phí của Cty CP Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước, ông Võ Phi Bảo cho rằng: “Hoạt động của doanh nghiệp (DN) rất minh bạch, việc nâng giá phí phải thông qua HĐND tỉnh. Lượng tiền thu về thông qua việc vé và vé này DN không tự in ra mà tất cả đều phải báo qua thuế”.

Thực tế, không thể phủ nhận những hiệu quả của DA BOT tại các địa phương trong việc thúc đẩy kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thậm chí nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng đâu có thể chỉ vì một phần thúc đẩy kinh tế địa phương mà để cho các CĐT DA BOT hưởng lợi một cách bất thường từ những “sản phẩm” mang tên BOT.

Lượng phương tiện vận chuyển VLXD ra vào khu vực đường BOT chuyên dùng dày đặc.

Với những gì đang diễn ra thì dư luận đang đặt câu hỏi phải chăng các cấp HĐND tại các DA BOT ở địa phương hay đã để một số đối tượng lợi dụng, hưởng lợi tại các DA BOT?

Câu chuyện này được đặt ra tại tỉnh Đồng Nai trong việc thực hiện DA BOT đường chuyên dùng vận chuyển VLXD tại xã Phước Tân và xã Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo cách tính của các DN là các chủ mỏ khai thác đá tại đây, với mức giá và thời gian thu phí được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua thì CĐT DA là Cty CP đầu tư BOT An Thuận Phát (Liên doanh giữa Cty CP đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Hợp tác xã An Phát) có thể thu về gần 3.300 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư chỉ hơn 130 tỷ đồng.

Liên quan đến DA này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc xác định: bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường GPMB của DA BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát (do chồng bà Thanh là người đại diện pháp luật), nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngày 8/9 vừa qua, hàng loạt những DN đầu tư khai thác, kinh doanh tại mỏ đá, liên quan trực tiếp đến tuyến đường này đã có văn bản gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Sở, ngành liên quan cho rằng: “Nội dung NQ số 142/2014/NQ-HĐND tỉnh Đồng Nai là không phù hợp, không đúng với thực tế. Bởi đầu tư tuyến đường chuyên dùng này để phục vụ cho việc vận chuyển VLXD của các mỏ đá; Việc đầu tư như thế nào? Thu phí bao nhiêu? Bao giờ thu phí, thời gian thu phí… phải được thông qua các mỏ. Thực tế, chúng tôi hoàn toàn không biết vấn đề nêu trên như thế nào, tình thế bị áp đặt”.

Trong câu chuyện này, liệu HĐND có thật sự công tâm trong vai trò kiểm tra, giám sát hay chỉ là “con rối” trong tay của một số đối tượng “điều khiển” để “hốt” hàng nghìn tỷ đồng ?

(Còn nữa)

Nhóm PVĐT

Nguồn Báo Xây dựng

Từ khóa : Dự án BOTQuốc lộ 13

Các tin liên quan đến bài viết