“Cách đây 10 ngày, chị Tâm không may bị xe tông gãy chân, thành viên trong tổ góp vốn cái rẹt để có tiền chữa trị. Còn chị Hương cũng nhờ đồng vốn xoay vòng mà cứu chữa mẹ bị ung thư bao tử kịp thời. Cứ ai bị tai nạn, ốm đau hoặc rủi ro bất ngờ, thành viên trong tổ vay vốn ưu tiên cho lấy trước. Còn bình thường đúng ngày 18 các thành viên trong tổ đến nhà văn hóa thôn đóng tiền và bốc thăm” – ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh), chia sẻ với chất giọng Nam bộ đặc sệt.
Nhờ vốn xoay vòng, gia đình anh Đặng Bửu Lộc có tiền để đầu tư chăn nuôi bò
Vợ chồng chị Đoàn Thị Sanh từ tỉnh Bến Tre đến ấp Hưng Thủy lập nghiệp cách nay 11 năm nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh do không có vốn làm ăn. Gia tài duy nhất của gia đình chị là mảnh đất 600m2trong một con hẻm nhỏ cách trung tâm xã Lộc Thịnh 15km. Làm ngôi nhà tạm hết 100m2, số còn lại vợ chồng chị bỏ hoang vì ngập úng quanh năm. Nguồn thu của gia đình chủ yếu dựa vào việc làm thuê của chồng và những chai nước giải khát bày bán trên chiếc bàn gỗ trước nhà của chị. 34 tháng trước, gia đình chị tham gia tổ góp vốn xoay vòng do Chi hội Nông dân ấp Hưng Thủy phát động, với số tiền 1 triệu đồng/tháng. Tổ góp vốn có 37 người tham gia nên mỗi tháng sẽ có 37 triệu đồng cho 1 nông hộ tích lũy tính chuyện làm ăn. 15 tháng trước, gia đình chị may mắn bốc được 37 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng này. Tận dụng diện tích ngập úng, chị đầu tư đàn vịt đẻ 70 con. Song song đó chị mua 35 con ngan (vịt xiêm), 20 con gà đẻ và một máy ấp trứng để chăn nuôi. Chị Sanh nhẩm tính mỗi tháng cộng cả tiền bán trứng và con giống thu về khoảng 6 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí công chăm sóc, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh, gia đình chị lãi 3 triệu đồng/tháng. “Chỉ còn 3 tháng nữa là mình hết nợ mà lại được đàn vịt, đàn gà đẻ cho thu nhập ổn định” – chị Sanh phấn khởi.
Cũng từ nguồn vốn xoay vòng, gia đình anh Đặng Bửu Lộc bỏ thêm vốn đầu tư mua 5 con bò giống và 2 con heo nái lai rừng. Sau 12 tháng chăm sóc, 5 con bò giống đã sinh được 3 con bê. Đàn heo con rừng lai là nguồn sinh sống của gia đình. Tiền góp vốn hằng tháng do vợ anh đảm nhận từ lương công nhân dành dụm. Nhờ vậy mà sau 34 tháng tham gia góp vốn, gia đình anh có được đàn bò 8 con và thoát nghèo từ đầu năm 2017.
Ấp Hưng Thủy có 61 hội viên nông dân tham gia 2 tổ góp vốn xoay vòng. Tổ thứ nhất có 24 thành viên, góp vốn 500 ngàn đồng/tháng/người. Tổ thứ hai có 37 hội viên tham gia góp 1 triệu đồng/tháng/người. Tất cả hội viên tham gia góp vốn trên tinh thần thỏa thuận ngày, giờ đóng góp tại nhà văn hóa thôn và không tính lãi.
Từ phong trào góp vốn xoay vòng của các chi, tổ hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên các thôn, ấp đã giúp 36 hộ nghèo đa chiều của xã Lộc Thịnh thoát nghèo bền vững trong 2 năm qua. Ngoài góp vốn, hội viên trong các chi, tổ hội còn đóng góp cả ý tưởng kinh doanh dựa vào thực tiễn của mỗi gia đình để phát huy hiệu quả đồng vốn. Qua phong trào này, tình làng nghĩa xóm vùng biên giới Lộc Thịnh thêm gắn kết, cuộc sống người dân ngày một nâng cao.
Nguồn Báo Bình Phước