Hiện nay trên địa bàn huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, phong trào trồng tiêu kết hợp nuôi dê nhốt chuồng đang phát triển mạnh. Do đó, nguồn thức ăn cho loài vật nuôi này ngày một khan hiếm. Trước thực trạng đó, nông dân Trần Khanh Hứng, 64 tuổi, ở ấp Tân Nhân, xã Tân Tiến đã nghiên cứu, cải tiến thành công chiếc máy xay chuối thành máy xay thức ăn cho dê.
Ông Hứng cho biết: “Cách đây 2 năm, từ nguồn vốn vay của Chi hội Cựu chiến binh ấp Tân Nhân, tôi mua được 2 con dê giống và làm chuồng trại nuôi. Đến nay, đàn dê đã lên đến 14 con, cả lớn lẫn nhỏ. Thời gian đầu còn ít người nuôi nên việc đi xin cành lá trong các vườn tiêu rất tiện lợi và dễ dàng. Nhưng càng về sau thấy hiệu quả từ mô hình trồng tiêu dùng trụ sống kết hợp nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, nên hầu hết nhà nào trồng tiêu cũng đều nuôi dê. Vì vậy, lượng thức ăn ngày một khan hiếm”.
Theo ông Hứng, nếu như trước đây ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có ít gia đình áp dụng mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê nhốt chuồng, thì hiện nay, hầu hết gia đình nào cũng áp dụng làm theo. Do đó, lượng thức ăn lấy từ các trụ tiêu sống (cây lòng mức hoặc cây keo) rất khan hiếm. Gia đình nào trồng nhiều tiêu thì cũng chỉ đủ dùng cho đàn dê của gia đình chứ không còn dễ dàng đi xin được thức ăn như trước đây.
Bên cạnh đó, thời gian đầu với lượng thức ăn còn dồi dào, việc cho dê ăn chỉ vứt cả lá lẫn cành vào máng cho dê tự ăn. Nhưng với cách cho ăn này thì dê chỉ ăn những phần lá ngon còn phần lá già hoặc quá non thì bỏ dở. Vì vậy đã gây ra một sự lãng phí thức ăn khá lớn. Trước thực trạng thức ăn ngày càng khan hiếm, ông Hứng đã nghiên cứu để cải tiến chiếc máy xay chuối để xay thức ăn cho dê.
“Sau khi nghiên cứu xong, tôi mang đến một tiệm cơ khí đặt làm theo hướng dẫn của mình. Khi hoàn thành sản phẩm với số tiền chỉ hơn 2 triệu đồng nhưng đã đem lại nhiều tiện ích cho việc xay thức ăn cho dê. Chiếc máy này có thể xay được các loại cỏ có thân cứng, lá lẫn cành nhỏ của cây keo, cây lòng mức thành thức ăn mịn để dê dễ dàng ăn hết thức ăn” – ông Hứng cho hay.
Những ngày đầu khi bắt tay vào cải tiến, ông gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc máy không băm được nên phải tháo ra làm lại, khắc phục nhược điểm. Cứ thế, sau nhiều lần lắp vào, tháo ra cuối cùng chiếc máy băm các loại cây keo, cẩm, lòng mức cũng hoàn thiện.
Máy vận hành rất dễ dàng, các chi tiết không quá rườm rà, chỉ đơn giản với một mô tơ đấu nối với trục xoay bằng dây curoa và lưỡi dao dùng để cắt nguyên liệu cùng hộp sắt bao quanh lưỡi dao để tránh vung vãi thức ăn. Ngoài ra, còn chế tạo nhiều lưỡi dao để băm, xay, cắt các loại cây khác nhau tùy theo nhu cầu, mục đích cho vật nuôi.
Ông Trần Khanh Hứng xay thức ăn cho dê |
Theo ông Hứng, với số lượng 14 con dê gia đình ông trước đây, mỗi bữa ăn phải mất 1 rơ-moóc nhỏ xe gắn máy kéo, cũng đồng nghĩa với việc mỗi ngày cho dê ăn 3 bữa thì gia đình ông phải đi lấy thức ăn 3 lần. Nhưng thời gian qua, việc tự cải tiến máy xay chuối thành máy xay thức ăn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao đối với việc nuôi dê của gia đình ông. Mỗi ngày ông Hứng chỉ phải đi xa tìm kiếm thức ăn một lần cho cả đàn.
“Dùng máy xay thức ăn có thể tận dụng được cả các cành nhỏ, lá già cho dê ăn, thay vì vứt cả cành lẫn lá vào máng, dê chỉ có thể ăn được khoảng 2/3. Khi dùng máy xay mịn ra dê có thể ăn sạch được 100%. Vì vậy nó giúp tiết kiệm được thức ăn và không phải đi tìm thức ăn nhiều lần trong một ngày như trước đây” – ông Hứng phấn khởi nói.
Ông Hứng cho biết thêm, sau khi thấy hiệu quả từ chiếc máy do ông cải tiến, chính xưởng cơ khí nơi ông đặt làm đã sản xuất, chế tạo để bán cho những hộ nuôi dê trên địa bàn huyện. Vì vậy, đến nay đã có nhiều hộ dùng loại máy này để phát triển nghề nuôi dê.
Ông Phạm Đức Ánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến cho biết, bà con nông dân trong xã rất bất ngờ trước sáng tạo của ông Hứng. Qua thử nghiệm, bà con nông dân nhận thấy máy xay thức ăn cho dê mang lại hiệu quả thực sự cho các hộ chăn nuôi. Hiện nay, Hội Nông dân xã đã phổ biến rộng rãi sản phẩm này tới người dân. Từ nay nông dân trồng tiêu kết hợp nuôi dê trong huyện sẽ có thêm một loại nông cụ mới phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế của địa phương.