Ngày 29-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), chi nhánh Bình Phước đã chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002-2017. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBMTTQVN tỉnh và các sở, ngành liên quan, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh; Thường trực Huyện ủy, Thị ủy, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 15 năm thành lập, đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương. Doanh số cho vay đạt 4.692 tỷ đồng, với 360.725 lượt khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 2.911 tỷ đồng. Tổng dư nợ của chi nhánh đạt 1.924 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,9%/năm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao để giúp tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH tỉnh đã giúp 38.715 lượt hộ thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm cho 22.033 lao động; 136 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; giúp 35.367 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 161.887 công trình nước sạch vệ sinh nông thôn và 3.490 căn nhà từ chương trình cho vay hỗ trợ người nghèo về nhà ở.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tuy nhiên, do nguồn vốn cho vay của chương trình còn hạn chế, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm, dẫn đến vốn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người vay. Việc phối hợp để lồng ghép giữa các chương trình dự án trên địa bàn, giữa các hoạt động tín dụng của Ngân hàng CSXH với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư… chưa đồng bộ, nên hiệu quả sử dụng vốn vay của một số hộ nghèo và các đối tượng chính sách chưa cao.
Từ thực tế những năm qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Bình Phước đề ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận vay vốn; tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm từ 10% trở lên, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm tăng tối thiểu 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các tồn đọng phát sinh để ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động.
Các tập thể đạt nhiều thành tích nhận Bằng khen của UBND tỉnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng yêu cầu Ngân hàng CSXH tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục tập trung mọi nguồn lực huy động vốn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; phối hợp rà soát, giải ngân kịp thời cho đối tượng thụ hưởng, hộ vay phải có phương án sử dụng vốn đúng mục đích; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp chặt chẽ giữa việc đầu tư tín dụng với hướng dẫn tổ chức sản xuất, gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả trên địa bàn tỉnh; các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả tín dụng chính sách, các mô hình làm ăn hiệu quả nhằm nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Dịp này, 17 tập thể và 69 cá nhân có thành tích suất sắc trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002-2017 đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Ngoài ra, 20 tập thể và 46 cá nhân được nhận giấy khen của Ngân hàng Chính sách Việt Nam.
Nguồn Báo Bình Phước