Sáng 28/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác văn thư, lưu trữ đảng và tổ chức chính trị, xã hội từ năm 2015 đến nay.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, thành viên Thường trực Ban Bí thư đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Dự hội nghị còn có Đoàn đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Báo cáo tại Hội nghị ông Hoàng Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương cho biết, từ năm 2015 đến nay, công tác văn thư lưu trữ đảng và tổ chức chính trị-xã hội đã có bước phát triển mới, đạt được những kết quả nổi bật. Tài liệu lưu trữ của Đảng được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Các cơ quan, tổ chức đã nghiêm túc quán triệt Quy định số 270-QĐ/TW và các quy định của Đảng và Nhà nước về văn thư, lưu trữ. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Chế độ kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ được duy trì nền nếp hơn, kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc ở cơ sở. Công tác văn thư có nhiều cố gắng, bảo đảm thông tin phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, tổ chức. Công tác thu thập, chỉnh lý tài liệu Đại hội XII và đại hội đảng bộ các cấp được chú ý làm tốt. Lưu trữ lịch sử và lưu trữ cơ quan đã chỉnh lý được khối lượng lớn tài liệu tồn đọng, chủ động đáp ứng kịp thời, đa dạng các yêu cầu khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ. Các phần mềm tin học ứng dụng ngày càng phát huy hiệu quả…
Cùng với việc kiện toàn tổ chức, các cơ quan, tổ chức đã quan tâm bố trí cán bộ văn thư, lưu trữ theo hướng hợp lý, khoa học. Ở Trung ương, nhiều cơ quan, tổ chức đã sắp xếp lại tổ chức văn thư, lưu trữ. Đối với địa phương, mô hình tổ chức văn thư tập trung áp dụng hiệu quả ở nhiều cấp ủy huyện. Đến nay, cả nước có 378/713 cấp ủy huyện (chiếm 53,3%) bố trí cán bộ lưu trữ chuyên trách, trong đó có nhiều tỉnh có từ 50-100% số huyện bố trí cán bộ lưu trữ chuyên trách, các ban tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, các tổ chức chính trị -xã hội cấp tỉnh đều bố trí từ một cán bộ văn thư kiêm lưu trữ trở lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn thư, lưu trữ đảng và các tổ chức chính trị – xã hội cũng còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục như: chưa hoàn thành mục tiêu kiện toàn tổ chức lưu trữ cơ quan cấp huyện; quy trình xử lý văn bản khép kín trên mạng và tổ chức công tác văn thư gắn với việc thực hiện giao dịch điện tử chưa được thực hiện ở nhiều cơ quan, tổ chức; chậm cải cách thủ tục hành chính; trong công tác lưu trữ vẫn còn cơ quan chưa giao nộp tài liệu theo quy định, tình trạng tài liệu còn tồn đọng còn phổ biến; nhiều tài liệu xuống cấp chưa được tu bổ, phục chế kịp thời; việc giải mật tài liệu chưa được chú ý làm thường xuyên…Đặc biệt, nhiều cơ quan, tổ chức nhất là ở các ban đảng, đảng ủy, tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn bố trí cán bộ, nhân viên văn thư, lưu trữ chưa chuyên nghiệp, không ổn định, phải kiêm nhiệm nhiều việc. Theo thống kê, tính đến hết năm 2016, có đến gần 84% người làm văn thư, lưu trữ ở các cơ quan, tổ chức trên chưa qua đào tạo đúng chuyên ngành.
Theo đồng chí Tuấn, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra trong công tác văn thư ở mỗi cơ quan, tổ chức là phải tiếp tục đổi mới, cải tiến theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại, sớm khắc phục những tồn tại; Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước thực hiện số hóa văn bản; Chủ động hơn trong công tác phục vụ khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ; Bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ của Đảng, không để mất mát, lộ lọt bí mật thông tin từ các cơ quan lưu trữ…
Thay mặt Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá cao vai trò quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ đảng và tổ chức chính trị xã hội. Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, trong thời gian tới, để phục vụ ngày càng tốt hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, của các cơ quan, tổ chức và nhu cầu của xã hội, công tác văn thư, lưu trữ đảng và tổ chức chính trị, xã hội cần tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức chính trị -xã hội và người đứng đầu phải nhận thức đúng, đầy đủ vai trò, vị trí rất quan trọng của công tác văn thư , lưu trữ. “Đây là một nội dung, quy trình không thể thiếu trong việc cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo. Không những thế, tài liệu lưu trữ còn là tài sản quý giá đặc biệt, là trí tuệ, kinh nghiệm, hình ảnh hoạt động của Đảng, của dân tộc ta trong quá khứ, đúc kết, tích lũy, lưu trữ cho muôn đời mai sau”, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Thứ hai, công tác văn thư, lưu trữ phải đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức đảng và các tổ chức chính trị, xã hội. Muốn vậy, toàn ngành văn thư, lưu trữ phải tiếp tục đổi mới về phương thức và nội dung công tác, nâng cao chất lượng, từng bước hiện đại hóa, triệt để ứng dụng các thành tựu khoa học- công nghệ hiện đại.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương về công tác văn thư, lưu trữ. Để lưu trữ được tài liệu, các cơ quan, tổ chức phải làm tốt và thực hiện nghiêm quy định về việc nộp lưu tài liệu. Văn phòng Trung ương Đảng cần sớm ban hành và tổ chức triển khai Đề án phát triển công tác văn thư, lưu trữ của Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; kịp thời bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ để thực hiện Luật Lưu trữ, Quy định số 270-QĐ/TW nhằm giúp Ban Bí thư quản lý Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị, xã hội trong quá trình thực hiện công tác văn thư, lưu trữ; kịp thời chấn chỉnh những sai sót để nâng cao chất lượng công việc.
Thứ năm, quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác văn thư, lưu trữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và có chính sách khuyến khích, động viên thỏa đáng; cần chú ý tuyển chọn cán bộ có chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng để đảm nhận công tác văn thư lưu trữ của mỗi cơ quan, tổ chức.
Thứ sáu, mở rộng hợp tác về công tác văn thư, lưu trữ cả trong và ngoài nước, để công tác văn thư, lưu trữ của chúng ta phát triển hiện đại, theo kịp xu thế chung của thế giới.
Đồng chí Trần Quốc Vượng tin tưởng, công tác văn thư, lưu trữ của Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội sẽ có những bước phát triển mới, luôn đảm bảo chính xác, kịp thời, bảo mật, an toàn và hiện đại, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác văn thư, lưu trữ đảng và tổ chức chính trị, xã hội. Cũng tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao Cờ thi đua, bằng khen cho các đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong công tác văn thư, lưu trữ đồng thời phát động thi đua trong thời gian tới./.
Nguồn dangcongsan.vn