Song hành với nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc S’tiêng ở Bình Phước còn có cả đàn bầu, đàn đinh jut và kèn sừng trâu hết sức độc đáo. Tuy nhiên, kèn sừng trâu đang đứng trước nguy cơ thất truyền vì còn rất ít người biết sử dụng.
Ông Điểu Hoi – người S’tiêng duy nhất biết chế tác và hiểu bộ kèn sừng trâu biểu diễn cùng bộ chiêng của dân tộc mình
Năm 11 tuổi, ông Điểu Hoi ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đã biết đánh cồng chiêng gắn liền với thổi kèn sừng trâu. Sau 47 năm gắn bó với văn hóa cồng chiêng, ông Điểu Hoi được xem như nghệ nhân lĩnh xướng dàn diễn tấu cồng chiêng của người S’tiêng. Không chỉ biết đánh cồng chiêng, thổi kèn sừng trâu, ông còn biết làm bộ kèn bằng sừng trâu 6 cái tương thích với âm thanh của bộ cồng chiêng 6 cái. Ông Điểu Hoi cho biết, người S’tiêng trước đây thường dùng tay để đánh cồng chiêng kết hợp với miệng thổi kèn sừng trâu mỗi khi già làng tổ chức lễ cúng mừng lúa mới hoặc quay đầu trâu. Cùng với bộ kèn sừng trâu còn có kèn bầu được làm bằng 6 ống lồ ô cũng có âm vực tương thích với bộ chiêng 6 cái.
Đại diện Phòng Quản lý di sản Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người S’tiêng vừa biết đánh cồng chiêng vừa thổi kèn sừng trâu bắt đầu thưa dần trong khoảng 10 năm qua. Để tìm được một đội 6 người vừa biết diễn tấu cồng chiêng vừa thổi kèn sừng trâu hoàn chỉnh hầu như không đủ. Đặc biệt người biết sáng chế bộ kèn sừng trâu đi cùng bộ cồng chiêng hiện nay chỉ còn duy nhất ông Điểu Hoi. Tuy nhiên, để làm được bộ kèn sừng trâu đúng truyền thống của người S’tiêng phải cần ít nhất 3 người am hiểu tận tường thanh âm của cồng chiêng với tiếng kèn bằng sừng trâu phối hợp cùng nhau.
Nguồn Báo Bình Phước