Nếu không tỉnh táo, giáo viên dễ bị dị nghị là phân biệt đối xử giữa con hội trưởng phụ huynh với các em khác dù không có ý đó.
Sáu năm đi dạy và làm chủ nhiệm, cô Chi (31 tuổi, giáo viên một trường THCS ở quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng Hội phụ huynh học sinh vừa là người bạn, cùng vừa là nỗi ám ảnh. Nói là bạn bởi hội luôn sát cánh với nhà trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm trong mọi hoạt động ngoại khóa, các chương trình văn nghệ, dã ngoại của học sinh.
Chi phí từ chai nước uống đến thuê quần áo văn nghệ, thuê xe đi dã ngoại đều lấy từ quỹ hội. Nhân sự cho mọi hoạt động đều là những ông bố bà mẹ nhiệt tình của hội, không có họ thì giáo viên lo không xuể. “Trong lớp có mấy chục phụ huynh, nhưng giáo viên chỉ có điều kiện thân quen với vài người trong hội, nhờ đó mới hiểu thêm tâm tư nhiều cha mẹ khác”, cô Chi nói và khẳng định không thể giải tán Hội phụ huynh trong bối cảnh ngày nay.
Một buổi họp phụ huynh đầu năm. Ảnh minh họa: pgdnamtruc.
|
Song, nỗi lo lắng thậm chí là ấm ức đôi khi xuất phát từ chính người bạn này. Thông thường tham gia Hội phụ huynh là những người có điều kiện khá giả như doanh nhân, hộ kinh doanh hoặc công chức, viên chức nhà nước. Năm ngoái, hội trưởng Hội phụ huynh của lớp cô Chi là doanh nhân, có quan hệ thân thiết với hiệu trưởng. “Thật lòng không phải thiên vị nhưng dù ít dù nhiều mình phải để ý đến con của ông hội trưởng, vì người ta vừa là Mạnh Thường Quân của lớp, vừa là người quen với cấp trên”, cô Chi thành thật.
Sự quan tâm con gái hội trưởng phụ huynh của cô giáo chủ nhiệm thể hiện ở lời nói, đánh giá, nhận xét…, lâu dần cũng bị học sinh khác nhận ra. Cuối năm đó, trong cuộc họp phụ huynh, cô giáo bị một bà mẹ chất vấn và không biết trả lời sao cho thỏa đáng. Cảm giác khi đó vừa oan ức, vừa tủi hổ. “Đó có lẽ là bài học nhớ đời của tôi khi theo nghề giáo. Thật lòng tôi sợ gặp phải trường hợp đó một lần nữa”, nữ giáo viên bộc bạch.
Cô Chi nói không riêng mình mà đồng nghiệp cũng gặp tình cảnh tương tự. Có lớp học, con của hội trưởng thiếu một điểm tổng kết môn để đạt học sinh giỏi, trường và giáo viên tìm cách châm chước, nâng đỡ. Sự ưu ái này bị nhiều học sinh khác biết, sinh ra tin đồn, dị nghị khiến giáo viên chủ nhiệm xấu hổ.
“Trong mối quan hệ với Hội phụ huynh, giáo viên khó tránh khỏi điều tiếng lắm”, thầy Phụng (43 tuổi, giáo viên THCS ở huyện Hóc Môn, TP HCM) thẳng thắn. Ngày tựu trường năm học này, thầy nhận được tin nhắn “xi-nhan” của hiệu trưởng về nhân sự Hội phụ huynh học sinh của lớp. Dĩ nhiên, những người này được đề xuất trong đại hội cha mẹ học sinh và được bầu vào hội.
Gần 20 năm theo nghề, thầy Phụng hiểu rõ những khoản thu tự nguyện, đặc biệt là cơ sở vật chất kêu gọi phụ huynh đóng góp đều nằm trong dự toán của nhà trường. Giáo viên chỉ đóng vai trò trung gian giữa trường và Hội phụ huynh, dù muốn hay không cũng tham gia vào việc thu, chi những khoản tiền này.
Ông nói dù đây là khoản ngân sách nhà nước phải chi, nhưng để chờ đợi được duyệt thì rất lâu. Trường và phụ huynh đều sốt ruột nên việc họ kêu gọi đóng góp, xây sửa, mua sắm là tất yếu.
Nỗi lo tiền nong, học hành cho con đè nặng lên nhiều phụ huynh dịp đầu năm học. Ảnh: Mạnh Tùng
|
“Tiền quỹ phụ huynh qua các năm tôi làm chủ nhiệm đều được thu, chi minh bạch, hoàn toàn là phục vụ cho lớp học và học sinh. Song, có những khoản không đáng, không cần thu, giáo viên biết nhưng không có quyền can thiệp, hoặc nói không ai nghe. Khi có chuyện thì giáo viên vẫn chịu trận”, ông nói. Có năm học thầy giáo này bị phụ huynh nghi được “ăn chia” khi cho rằng Hội phụ huynh đã sử dụng phung phí tiền quỹ.
Nói về mối quan hệ giữa giáo viên và Hội phụ huynh và con cái của họ, thầy giáo này và nhiều đồng nghiệp rút ra kinh nghiệm: “Đi qua ruộng dưa chớ sửa giày”. Bởi nếu không khéo léo và tỉnh táo, giáo viên sẽ bị dị nghị là thiên vị, ưu ái, phân biệt đối xử giữa con hội trưởng phụ huynh và các em khác trong lớp dù thật lòng không có ý đó.
Song nhiều trường hợp giáo viên dù giữ cái đầu lạnh để công tâm cũng không đỡ được. Chẳng hạn, ba năm trước, trường chọn học sinh giỏi đi thi cấp huyện thì con trai ông hội trưởng nằm trong diện lựa chọn bằng tiêu chí phụ. Học sinh này sau đó được chọn đi thi bằng khả năng của mình, không có sự thiên vị của tổ bộ môn. “Nếu em đó là học sinh khác thì chẳng có gì đáng nói, đằng này… Khi đó chẳng thể cấm người ta bàn tán thầy ưu ái trò cưng được”, thầy Phụng kể.
Dù gặp phiền phức nhưng thầy giáo này cho rằng Hội phụ huynh vẫn nên được duy trì, song cần điều chỉnh cách hoạt động, làm đúng chức năng được nhà nước quy định. “Tốt nhất chuyện tiền nong nếu có thu thì xin cho phép giáo viên chúng tôi ra rìa, không liên quan gì hết để không bị tổn thương”, thầy nói.
Ngày 21/9, ông Võ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP HCM) cho biết đã gửi đơn lên cơ quan quản lý giáo dục đề nghị giải tán hội phụ huynh học sinh.
Lý do theo ông Bình, hội không còn là nơi gắn kết cha mẹ học sinh, kết nối với nhà trường nhằm chăm lo việc học cho con em, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn mà trở thành “hội phụ thu”, chuyên đi thu tiền phụ huynh.
*Tên giáo viên được thay đổi.
Theo VnExpress