Chiều nay, dù bác tất cả quan điểm bào chữa của luật sư cùng 51 bị cáo, song VKS vẫn đề nghị tòa giảm án, miễn hình phạt với nhiều người.
Chiều 22/9 tại TAND Hà Nội, trong hơn một tiếng trình bày, hai vị đại diện VKSND Tối cao duy trì công tố tại phiên tòa đã đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư, bị cáo nêu trong 6 ngày tranh tụng.
Công tố viên cho hay sau khi cân nhắc các ý kiến tranh luận, VKS đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ hình phạt với bị cáo Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Đại Tín, được xử vắng mặt), Lê Thị Thu Thủy (cựu phó tổng giám đốc), Phạm Hoàng Giang (cựu tổng giám đốc công ty BSC).
VKS đề nghị tòa áp dụng mức án treo với bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu chủ tịch HĐQT Công ty BSC); giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo: Nguyễn Văn Hoàn (cựu phó tổng giám đốc), Tuấn Anh (cựu giám đốc chi nhánh Thăng Long), Lê Thị Kiều Liên (cựu giám đốc chi nhánh Vũng Tàu), Nguyễn Minh Đạo (cựu giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trần Thị Thu Hương (cựu giám đốc chi nhánh Hải Dương), Hoàng Bích Vân (cựu giám đốc chi nhánh TP HCM), Nguyễn Quốc Chiến (cựu giám đốc chi nhánh Sài Gòn).
Nhóm nữ bị cáo nguyên là lãnh đạo ở hội sở OceanBank được VKS đề nghị giảm một phần hình phạt gồm: Vũ Thị Thuỳ Dương (cựu giám đốc khối kế toán và giao dịch trong nước), Nguyễn Thị Nga (cựu kế toán trưởng), Nguyễn Hoài Nam (cựu giám đốc khối nguồn vốn), Nguyễn Thị Thu Ba (cựu giám đốc khối ngân hàng bán lẻ), Đỗ Đại Khôi Trang (cựu giám đốc khối khách hàng cá nhân).
VKS đề nghị miễn hình phạt với các bị cáo: Nguyễn Việt Hà (40 tuổi, giám đốc Phòng giao dịch Đào Duy Anh, Hà Nội); Nguyễn Phan Trung Kiên (35 tuổi, cựu giám đốc chi nhánh Phòng giao dịch Đông Đô, Hà Nội); Nguyễn Thị Loan (38 tuổi, cựu giám đốc chi nhánh Phòng giao dịch Trung Yên (Hà Nội), Trần Văn Thiết (cựu giám đốc chi nhánh Hà Nội).
Số tiền các cá nhân, nhân viên khác của OceanBank đã nộp khắc phục hậu quả được VKS đề nghị HĐXX tuyên trả lại.
Bác tất cả quan điểm bào chữa
Công tố viên cho hay các vấn đề luật sư, bị cáo nêu ra có nhiều điểm trùng nhau nên sẽ tranh luận theo từng nhóm tội.
Ở tội Cố ý làm trái, VKS nhận thấy nhiều ý kiến bào chữa rằng có việc làm trái trong việc chi lãi suất ngoài hợp đồng để huy động vốn, song việc này không gây thiệt hại mà mang lại “hiệu quả”. Vì thế số tiền 1.500 tỷ đồng OceanBank đã chi không phải là thiệt hại.
VKS cho biết lời khai của các bị cáo, nguyên đơn dân sự đã cho thấy việc chi 1.500 tỷ đồng là trái quy định về lãi suất huy động vốn, trái nguyên tắc quản lý kinh tế và đến nay không có khả năng thu hồi. Đặc biệt việc chi tiền từ ba tài khoản 801, 3612 cho lãnh đạo hội sở, chi nhánh, hội sở lại càng trái quy định vì không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Theo VKS, tại cơ quan điều tra, bị cáo Lê Thị Thu Thủy và Vũ Thị Thùy Dương đều thừa nhận số tiền tạm ứng nghiệp vụ đều lấy từ ngân hàng. Các chứng từ chỉ ghi chung chung là tạm ứng nghiệp vụ. Tất cả chứng từ đều được cả Tổng giám đốc, Chủ tịch phê duyệt.
Khi đối đáp, công tố viên đều đọc các quy định pháp luật, dẫn từng điều luật hoặc dẫn lại các lời khai của các bị cáo ở giai đoạn điều tra. Có nhiều đoạn, đại diện VKS gần như đọc lại nội dung trong bản luận tội đọc mấy ngày trước.
“Hậu quả việc làm trái không chỉ làm thiệt hại về vật chất mà còn là tiền đề cho tội phạm tham nhũng phát triển, đánh mất niềm tin của quần chúng nhân dân. Tiền huy động rơi vào tay một số người có chức vụ, quyền hạn, gây lỗ lớn cho Oceanbank, phát sinh nợ xấu lớn khiến Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc với giá 0 đồng”, công tố viên đánh giá về hành vi cố ý làm trái khi chi 1.500 tỷ đồng tại OceanBank.
Trong lúc công tố viên đối đáp bảo vệ quan điểm cáo buộc cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn có hành vi tham ô 49 tỷ đồn, thẩm phán đã ngắt lời, nhắc công tố viên “những vấn đề đã nêu ở phần luận tội thì không nêu lại nữa”.
* Tiếp tục cập nhật
Theo VnExpress