Cơn bão số 10 đi qua, để lại thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Trong khi người dân cả nước đang chung tay giúp đỡ đồng bào vùng bão lũ thì một số hộ kinh doanh đã lợi dụng để tăng giá các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Việc làm trái đạo lý này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân vùng bão lũ mà sâu hơn là đạo đức kinh doanh và trách nhiệm với cộng đồng.
Ảnh minh họa
Theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, mặt hàng “cháy” nhất thời điểm hiện nay tại các tỉnh miền Trung là vật liệu xây dựng. Do sức mua quá lớn nên không ít cơ sở kinh doanh đã nâng giá lên gấp nhiều lần so với giá bán thường ngày, với xu hướng tăng từ 10-15%, có nơi tăng đến trên 20% tùy theo mặt hàng. Là tỉnh bị thiệt hại nặng nề về nhà ở, nhu cầu về tấm lợp tại tỉnh Hà Tĩnh tăng đột biến, theo đó giá cũng tăng từ 12-15.000 đồng/m2. Với hơn 60.000 ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập, chỉ nhân lên số mét tấm lợp của mỗi hộ đã cho thấy lợi nhuận từ “đục nước thả câu” của một số cơ sở, hộ kinh doanh mặt hàng này lớn đến cỡ nào. Việc tăng giá các loại vật liệu xây dựng nói trên là trái với quy luật của kinh tế thị trường, bởi mặt hàng nào đó tiêu thụ nhiều lẽ ra phải giảm giá để tăng “cầu”, chưa kể đến đạo đức kinh doanh trong thời điểm nhân dân vùng thiên tai rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính những chủ cơ sở kinh doanh. Dù biết giá tăng nhưng người dân không thể không mua. Nhiều mặt hàng khác như sim điện thoại, máy phát điện, bình tích điện… cũng theo đó tăng lên. Bão lũ vừa qua, “bão giá” lại tới. Trước phản ánh của báo chí, ngành chức năng các tỉnh đã lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác; buộc chủ các cơ sở ký cam kết không tăng giá và giám sát việc bán sản phẩm; đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở lợi dụng hậu quả mưa bão để tăng giá, móc túi người dân.
Còn tại Bình Phước, cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, mưa trái mùa kèm theo lốc xoáy đã làm gãy đổ hàng chục ngàn nọc tiêu ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản… “Còn nước còn tát”, người dân đã đến các cửa hàng vật liệu xây dựng, cơ sở phân bón mua dây kẽm, nọc giả… để dựng lại nọc tiêu bị ngã đổ và gia cố vườn. Nhu cầu quá cao khiến nguồn cung tại nhiều cửa hàng vật liệu trong vùng không đủ, dẫn tới biến động thị trường và đẩy giá các loại vật liệu đã nêu lên mức cao.
“Tát nước theo mưa” là câu thành ngữ liên tục được nhắc đến trong và sau những đợt bão lũ; xăng, dầu tăng giá; tăng lương; dịp lễ, tết… Thật lạ khi hễ có thông tin xăng dầu tăng giá hoặc lương cơ sở tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu sẽ theo đó mà tăng. Người lao động chưa kịp mừng vì lương tăng thì ngoài chợ giá các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đã tăng từ trước. Xăng, dầu chỉ nhích lên một chút, thế nhưng nhiều lĩnh vực không liên quan đến tiêu thụ xăng, dầu cũng đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, xăng giảm thì giá các mặt hàng và cước vận tải lại đứng yên! Điều này chỉ có lợi ích trước mắt với một bộ phận nhỏ, đồng thời phản ánh cách làm ăn chụp giật, trái đạo đức kinh doanh của một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Việc ngăn chặn tình trạng trên không đơn giản và phải có thời gian như nhiều nước trên thế giới đã từng làm. Trước hết, có chế tài xử lý mạnh, nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh đầu cơ, trục lợi. Đồng thời xây dựng đạo đức, văn hóa trong kinh doanh và trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Nguồn Báo Bình Phước