Trở lại những ngôi làng biển ven cửa sông Gianh thuộc phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi chứng kiến những câu chuyện thấm đẫm tình người.

Tấm lòng người dưng sao mà thơm thảo - Ảnh 1.

Cụ Nguyễn Thị Cúc đang được bà con lợp mái và dọn dẹp nhà cửa vườn tược trong ngày 18-9 

Ngày 18-9, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đến tận nơi trao quà hỗ trợ cho những hộ khó khăn ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn.

Đậm tình làng xóm

Bước vào nhà cụ Nguyễn Thị Cúc ở tổ dân phố Đơn Sa thuộc phường Quảng Phúc, ngay từ ngõ đã thấy rất đông thanh niên đang chặt tre lấy cột.

Vào bên trong, một nhóm khác đang dọn xà bần, vườn tược, trong khi một nhóm đàn ông lớn tuổi hơn đang cùng lợp lại mái ngói ngôi nhà.

 Năm nay 76 tuổi, dù có đến 7 người con nhưng cụ Cúc vẫn ở một mình vì tất cả con cái đều đi làm ăn xa. Cơn bão vừa qua làm căn nhà gỗ bị tốc mái và tường nhà đổ sập.

Bão tan, một vài người trong xóm đến giúp cụ làm những việc vặt và dọn dẹp nhà cửa. Đến ngày hôm qua 18-9, tổ dân phố tập hợp một số thanh niên đến giúp cụ sửa lại nhà cửa, lợp mái ngói, bắt lại điện đèn…

Riêng phần rường gỗ xuống cấp và phần tường đổ sụp, khắc phục thì cần số tiền không nhỏ, cụ đành chờ nhưng chẳng biết đợi ai vì con cái đều rất nghèo.

“Bà con quanh xóm nhà ai cũng bị tốc mái, hư hỏng nhà cửa, cây cối đổ ngã, nước biển phá vườn, nhà ai cũng đều đủ thứ việc. Rứa đó mà họ bỏ việc nhà tới đây giúp tui, nặng nghĩa tình lắm lắm”, cụ Cúc nói.

Cách nơi cụ Cúc ở không xa là nhà cụ Phạm Thị Vẻ, 79 tuổi ở ven bờ sông Gianh thuộc tổ dân phố Xuân Lộc, cùng phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn.

Cụ Vẻ đang sống trong ngôi nhà tình nghĩa với toàn bộ phần mái bị bão cuốn trống hoác. Chồng chết sớm, không con cái, cụ sống đơn thân, nhờ vào sự giúp đỡ của một số tấm lòng hảo tâm và nương tựa vào xóm giềng.

Nhưng phần mái ngôi nhà của cụ bị tốc có giá trị quá lớn, trong khi xóm biển đều nghèo, không ai có thể giúp đỡ gì nhiều. Cụ đành chờ đợi phép màu nào đó…

Theo trưởng tổ dân phố Nguyễn Văn Ngái, thôn đang có kế hoạch vận động thanh niên hỗ trợ cụ, nhưng đang tìm cách vì số tiền cần không nhỏ, trong khi gia đình ai cũng bị ảnh hưởng bão, đang gặp khó khăn…

Trong những ngày này, nắng thì cụ lên giường ngủ giữa “màn trời”; mưa thì chui vào cái bếp có mái che nhỏ xíu, tạm bợ “chiếu đất”.

“Có tiền để sửa nhà rồi”

Tấm lòng người dưng sao mà thơm thảo - Ảnh 2.

Trần Tuyên Quang trong căn nhà trống của mình 

Chúng tôi không cầm được nước mắt khi bước vào căn nhà đổ, toàn bộ phần mái nằm bẹp dúm trước sân cỏ ở tổ dân phố Mỹ Hòa cùng phường Quảng Phúc. Bên trong căn nhà, một cậu bé đang cố xếp lại mấy hoành phi vải loại lễ vật tang ma đang bị gió tung phơ phất.

Đó là Trần Tuyên Quang, 17 tuổi, đang một mình, sống nhờ vào sự hỗ trợ của xóm giềng và gia đình một người cậu nghèo cạnh đó.

Hơn 10 năm trước, bố Quang ngã bệnh ung thư lưỡi rồi qua đời. Mấy năm sau, mẹ em tìm cách dạ chữa để con cái “có anh có em”, nhưng người em gái ra đời chưa tròn 1 năm thì người mẹ cũng chết vì ung thư vòm họng.

Hai anh em côi cút giữa đời, sống nhờ những người xung quanh một thời gian. Họ hàng gần xa đều nghèo không cáng đáng nổi. Thế là người em gái 2 tuổi được cho 1 gia đình hiếm muộn ở Sài Gòn.

Còn lại Quang côi cút một mình, lo nhang khói trên bàn thờ cha mẹ. Ngày thường, em cũng kiếm sống khi đi theo tàu phụ nghề biển cho một người cậu. Cơn bão vừa qua đã quật ngã những gì còn lại của ngôi nhà nhỏ xíu do mẹ để lại.

Biển đang sóng lớn, không kiếm được tiền, em phải nay nhà này mai nhà khác nhờ từ chỗ ngủ đến bữa ăn. Cả hàng xóm lẫn bà còn đều thương, nhưng họ nghèo quá, nhất là đều bị cơn bão dữ và sóng biển dâng ập bất ngờ tàn phá.

Một mình trong nhà không mái, nhìn tấm bê tông là nơi thờ cha mẹ, Quang nói đang tìm cách vay tiền lợp lại nhà cửa cho đàng hoàng. Em đang trông biển hết động để có thu nhập bằng phụ kéo lưới trên biển.

“Mệ biết lấy chi đây để trả ơn bây chừ”

Ngày 18-9, đại diện báo Tuổi Trẻ đã trao tận tay suất quà bạn đọc cho 10 gia đình có nhà sập và tốc mái hoàn toàn ở huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn của tỉnh Quảng Bình, bao gồm ba trường hợp nói trên, mỗi suất 10 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền 50 triệu đồng trích từ quỹ công tác xã hội do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp hỗ trợ.

Cầm tiền trên tay, Quang cố giấu những giọt nước mắt cảm động, còn cụ Nguyễn Thị Cúc thì vừa ngạc nhiên, vỡ òa: “Chừ mệ có tiền để sửa nhà rồi. Mệ già ri rồi mà người dưng còn quan tâm tới mệ nữa. Mà mệ biết lấy chi đây để trả ơn bây chừ!”…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : con bãophường Quảng Phúcthị xã Ba Đồn

Các tin liên quan đến bài viết