Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nhiều thành phần kinh tế trong nước đã có những bước phát triển rất mạnh, nhưng kinh tế tập thể (KTTT) lại lâm vào cảnh khó khăn. Để gỡ khó cho KTTT, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của KTTT” (1).
Những bước thăng trầm của KTTT
Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế bao gồm những cơ sở kinh tế do người lao động tự nguyện góp vốn, cùng kinh doanh, tự quản lý theo nguyên tắc tập trung, bình đẳng, cùng có lợi. KTTT mà nòng cốt là mô hình hợp tác xã (HTX) không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở rất nhiều nước trên thế giới. Tại Anh, nơi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp sớm nhất thế giới, các cơ sở dệt tư nhân nhỏ lẻ đứng trước thực tế không thể cạnh tranh được với các nhà máy dệt công nghiệp tư bản quy mô lớn mới được hình thành, ngay từ năm 1844 đã thành lập Liên minh những người tiên phong công bằng Rochdale. Đây được xem là mô hình HTX đầu tiên trên thế giới thông qua việc mua với số lượng lớn để mua rẻ hơn. Còn tại Đức, năm 1847, Hermann Schulze – Delitzsch (1808-1883) đã thúc đẩy sự hình thành các hợp tác xã cung cấp nguyên vật liệu đầu vào với giá rẻ cho các thợ mộc và thợ đóng giày đang có nguy cơ phá sản, nhờ đó mà nâng cao được khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp đồ gỗ và da giày, thoát khỏi nguy cơ bị phá sản.
Tại Việt Nam, từ năm 1955 chúng ta đã thí điểm thành lập một số HTX nông nghiệp. Trong giai đoạn 1955-1975 và đến trước đổi mới năm 1986, HTX được xác định là một trong hai hình thức kinh tế chính thức ở Việt Nam (bên cạnh doanh nghiệp Nhà nước). Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc, khi hầu hết lực lượng thanh niên ra mặt trận, HTX nông nghiệp đã có vai trò vô cùng quan trọng duy trì và phát triển sản xuất, đảm bảo hậu phương ổn định và cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam. Đến năm 1986, cả nước có 73.470 HTX, trong đó có 17.022 HTX nông nghiệp, 32.034 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 24.414 HTX khác.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Do nhiều nguyên nhân mà từ sau năm 1986, thành phần KTTT mà nòng cốt là HTX của chúng ta liên tục tụt giảm về số lượng. Đến năm 1996, cả nước còn 18.607 HTX. Đến năm 2003, tức là sau 17 năm kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cả nước chỉ còn 14.000 HTX, bằng 75% số lượng HTX năm 1996 và bằng 19% số lượng HTX năm 1986.
Từ năm 2003 đến năm 2013, KTTT có bước phục hồi mạnh về số lượng. Đến năm 2013, cả nước có 19.800 HTX. Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực (từ ngày 1-7-2013) đến nay, số lượng HTX của cả nước có tăng thêm qua từng năm, nhưng số xã viên và số lao động lại giảm. Đóng góp của khu vực KTTT vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước (GDP) có xu hướng giảm dần.
Vì sao KTTT gặp khó?
KTTT luôn được Đảng và Nhà nước ta khuyến khích phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 của Đảng ta đã khẳng định: “Tạo điều kiện thuận lợi để KTTT phát triển đa dạng, mở rộng quy mô; có cơ chế, chính sách hợp lý trợ giúp các tổ chức kinh tế hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận vốn”.
Thực hiện chiến lược trên, Chính phủ đã xây dựng dự thảo và đến năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã năm 2012, tạo hành lang pháp lý cho các HTX và KTTT phát triển. Thế nhưng trên thực tế, KTTT phát triển rất chậm. Báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới trình Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã nêu rõ: “Kinh tế tập thể hiện nay rất yếu (chỉ chiếm 5-6% GDP)”. Vì sao dẫn đến thực trạng này?
Theo kết quả khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phần lớn các HTX nông nghiệp hiện nay vẫn chưa có sự thay đổi về phương thức hoạt động, tư duy hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức HTX kiểu cũ. Nhiều HTX nông nghiệp còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với thành viên. Đa số các HTX nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: Cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng…; còn các dịch vụ rất quan trọng như: Bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm nên số HTX thực hiện việc bao tiêu nông sản cho nông dân ít.
Tình hình vốn, quỹ của các HTX nông nghiệp rất khó khăn. Mức vốn bình quân của các HTX nông nghiệp thấp và chủ yếu là vốn tài sản cố định đã sử dụng lâu năm, nhà xưởng và thiết bị xuống cấp, lạc hậu. Đa số các HTX nông nghiệp thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, trong khi đó việc tiếp cận với chính sách tín dụng còn hạn chế đã làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của HTX.
Công tác quản lý nhà nước đối với HTX còn bất cập do công tác tham mưu về HTX được giao cho các sở, ngành thiếu sự thống nhất, cụ thể là: 14/63 tỉnh (thành phố) giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 18/63 tỉnh (thành phố) giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư; 13/63 tỉnh (thành phố) giao cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh; 18/63 tỉnh (thành phố) chưa giao cho cơ quan nào chịu trách nhiệm. Bộ máy quản lý nhà nước về HTX chưa được kiện toàn đúng mức dẫn tới công tác quản lý nhà nước về KTTT bị buông lỏng, không có hệ thống cơ quan quản lý nhà nước thống nhất, xuyên suốt, chuyên trách chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu xây dựng, triển khai nghị quyết, pháp luật và chính sách của Nhà nước cũng như thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KTTT.
Cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của KTTT
Trước thực trạng khó khăn của khu vực KTTT, Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã đưa ra giải pháp “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của KTTT, kinh tế HTX; đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế HTX trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ” (2).
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, các cơ quan chức năng của Nhà nước và các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách gỡ khó cho KTTT. Ngày 22-3-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 352/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban; ba phó trưởng ban gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ban chỉ đạo còn có 20 ủy viên là lãnh đạo của các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam… Ban chỉ đạo có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng về các chủ trương, chính sách và giải pháp chiến lược nhằm đổi mới, phát triển KTTT, HTX; giúp Thủ tướng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển KTTT, HTX đã được phê duyệt.
Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động như: Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Triển khai khảo sát các mô hình HTX kiểu mới ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước để phục vụ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 trên phạm vi toàn quốc. Đây là một trong bốn hội nghị quan trọng nhất của Chính phủ trong năm 2017, sẽ do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì vào đầu tháng 10-2017, nhằm thống nhất các giải pháp đột phá để phát triển KTTT nói riêng và chuỗi sản xuất kinh tế nói chung.
Để Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phát triển KTTT đi vào cuộc sống, chúng tôi cho rằng, nếu chỉ có sự chuyển động của Chính phủ và Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX là chưa đủ, cần phải có những hành động quyết liệt từ phía các ban, bộ, ngành, địa phương. Trước hết các ban, bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTT, HTX với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu, mở các chuyên mục về phát triển KTTT, HTX trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của KTTT… Xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên để nhân rộng ra các địa phương. Tiếp tục thực thi các nhóm chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để tạo lập môi trường cho các HTX kiểu mới phát triển. Tháo gỡ khó khăn đối với hệ thống chính sách về đất đai cho các HTX, chính sách tín dụng cho các mô hình, tập trung vào việc nâng định mức vay, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ thủ tục cho vay; đồng thời phát huy vai trò của quỹ phát triển HTX, thực hiện các chính sách thu hút các cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc tại các HTX…
Bản chất của KTTT với nòng cốt là HTX không phải là sự phủ định, sự thay thế kinh tế hộ, mà làm cho việc sản xuất cá thể của các xã viên, thành viên có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của xã viên, thành viên ổn định, bền vững hơn. Vì vậy, KTTT ở Việt Nam còn có rất nhiều điều kiện để phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.
(1), (2): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng xuất bản, Hà Nội, 2016, tr.107