Không những là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, năm 2017 ông còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen vì “có thành tích trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đó là lão nông Cao Văn Na (SN 1944) ở ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú.

KIÊN TRÌ LÀM GIÀU

Cần cù, chịu khó, quyết tâm phát triển kinh tế, ông Na đã thành công với cách làm kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt mang về trên 2 tỷ đồng/năm. “Năm 1990, gia đình tôi từ Thủ Dầu Một (Bình Dương) lên Đồng Phú lập nghiệp. Dồn hết vốn mua được 1,5 ha đất tại ấp Thuận Hòa 2, tôi trồng cao su, tiêu và các loại cây ngắn ngày. Được mùa tiêu, tôi dành vốn mua máy cày phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng. Thấy cỏ tự nhiên mọc nhiều, mùa mưa tươi tốt, tôi mua 3 con bò, rồi phát triển đàn lên 10 con. Bán hết bò, cộng số tiền cày thuê dành dụm được tôi mua 3,5 ha đất, trồng tầm vông và măng cụt” – ông Na chia sẻ.

Ông Cao Văn Na đang cho dê ăn

Lý giải việc để dành gần ½ diện tích vườn rẫy trồng cây tầm vông, ông Na cho rằng: “Tầm vông dễ trồng, ít phải chăm sóc nên người trồng chỉ việc tập trung thời gian và vốn đầu tư các loại cây khác. Đồng thời, giá và đầu ra tầm vông ổn định do nhiều vựa ở Tây Ninh, Bình Phước tới tận vườn thu mua chở lên Tây Nguyên bán cho người trồng cà phê, tiêu làm thang chỉ việc chờ tới lứa để bán”. Hiện vườn trồng 20 năm cho thu khoảng 200 triệu đồng/năm, cùng nguồn thu các loại cây trồng khác. Hiện gia đình ông có hơn 14 ha vườn rẫy.

1,2 ha trồng măng cụt phải 8 năm mới cho lứa trái đầu tiên nên gia đình trồng xen chuối, cam. Khi măng cụt bắt đầu cho thu thì chặt bỏ chuối, lấy thân ủ dưới đất. Thân chuối mềm, nhiều lớp bẹ lá, lại lắm nước nên dễ hoai mục giúp bổ sung chất mùn cho đất. Hiện giá măng cụt bán tại vườn 40-45 ngàn đồng/kg, gia đình ông Na thu trên 100 triệu đồng/mùa.

Ngoài trồng đa cây, xen canh, ông Na còn tận dụng cành lá trụ sống cây keo nuôi dê bách thảo. “Cân nặng không bằng dê lai boe (con lớn khoảng 25kg) nhưng mắn đẻ (6 tháng 1 lứa 1-2 con) nên gia đình chọn nuôi” – ông Na cho biết. Hiện đàn dê phát triển từ 6 con ban đầu lên 60 con. Hằng năm gia đình ông xuất bán 30 con dê thịt và dê giống; với giá 110.000 đồng/kg đã cho thu gần 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, đàn dê còn cung cấp một lượng phân bón cho cây trồng giúp gia đình hạn chế mua phân hóa học. Ông Na khẳng định: “Khi cây, con nuôi được nhau, người nông dân tiết kiệm được vốn và công bỏ ra gần 50%”.

 “CHỈ LÀM, KHÔNG HỨA”

Đó là cách làm từ thiện của lão nông sản xuất giỏi Cao Văn Na. Một khi nhìn thấy, biết rõ hoàn cảnh khó khăn của những phận người bất hạnh, ông sẽ tận tâm giúp đỡ. Gia đình bà Đinh Thị Sao (cùng ấp) được ông Na cho đất, hỗ trợ tiền giúp gia đình có nhà ở tươm tất ổn định cuộc sống. Ông Na chia sẻ: “Ngày trước mới lên đây, tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Sống cùng người dân ở đây, làm nông với họ, gia đình tôi mới được như ngày nay. Giờ khấm khá hơn nên tôi giúp người nghèo khó tùy theo khả năng”.

Ông Na còn tham gia rất nhiều hoạt động an sinh xã hội tại địa bàn. Tình nguyện hiến đất xây điểm trường mầm non cho học sinh đồng bào S’tiêng tại ấp Thuận Hòa 2; vận động người dân cùng làm mới, tu bổ đường mòn chạy trước nhà thành đường ấp rộng 6m, bằng phẳng, kéo dài gần 1,5km để mọi phương tiện qua lại thuận tiện; xây nhà tình thương, đóng góp quỹ khuyến học, tặng đất và nền nhà cho 2 hộ nghèo, giúp gạo và tiền cho người già neo đơn, tặng xe đạp, sách vở động viên học sinh nghèo hiếu học đến trường…

Hiện vườn rẫy của ông tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Từ tinh thần hăng say lao động và những đóng góp cho xã hội, ông Cao Văn Na cho rằng “Tôi là người may mắn, cộng với chịu khó lao động, tính toán làm ăn nên đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : Lão nôngÔng Cao Văn Na

Các tin liên quan đến bài viết