Ngày 29-8-2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2916/UBND-KGVX về việc tuyển sinh trung cấp, cao đẳng năm 2017 trên địa bàn tỉnh. Nội dung công văn chỉ đạo các sở, ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuyển sinh trung cấp, cao đẳng trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục. Theo đó, chỉ thị đề ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Nhìn lại mục tiêu Chỉ thị số 10-CT/TW đặt ra và chặng đường chỉ còn 3 năm học nữa phải đạt được tỷ lệ % đó, thật đáng băn khoăn.

Định hướng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không học tiếp lên THPT, chuyển sang học nghề, nói cách khác là phân luồng học sinh để cơ cấu lao động trong tương lai – có vai trò rất quan trọng của một quốc gia. Ở các nước có nền giáo dục phát triển, việc định hướng cho học sinh gắn với cơ cấu lực lượng lao động có mối quan hệ chặt chẽ như tay phải với tay trái, phối hợp nhịp nhàng như tay với chân trong một cơ thể xã hội. Vì thế, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được gợi mở, định hướng niềm đam mê và xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Thế nên, khi học hết THCS hay THPT, học sinh, sinh viên ở những quốc gia này làm đúng nghề họ đã chọn, họ làm nghề đam mê từ nhỏ… đạt tỷ lệ rất cao, đồng thời đáp ứng được nhu cầu lao động của xã hội trong từng thời điểm, từng chu kỳ phát triển nhất định. Trái lại, ở Việt Nam, do quan niệm văn hóa còn muốn làm “thầy” hơn là làm “thợ”, cộng với sự yếu kém kéo dài trong nhiều năm của hệ thống giáo dục quốc dân, nên phân luồng lao động từ bậc tiểu học và các bậc phổ thông gần như không đem lại hiệu quả. Hướng nghiệp của nước ta hiện vẫn nặng tính hình thức và mới chỉ làm phần “ngọn” – thực hiện đối với bậc THPT, thậm chí chỉ với học sinh lớp 12.

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới công tác hướng nghiệp trong toàn bộ hệ thống nhà trường cũng như toàn xã hội. Trước hết, sự đổi mới đó phải bắt đầu từ đổi mới cách tiếp cận các thành tố của giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường ngay từ bậc tiểu học, tiếp đó là đến bậc THCS, THPT, hệ thống cơ sở dạy nghề… theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Song song đó, cần có những giải pháp cụ thể tác động vào tâm lý, nhận thức chung của phụ huynh và toàn xã hội, đặc biệt là từ đội ngũ giáo viên, từ chính ngành giáo dục. Một yếu tố quan trọng không kém nữa, là “đầu ra” của các trường dạy nghề phải có việc làm và chính các cơ sở đào tạo nghề phải đảm bảo được chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tế lao động… Đối với đơn vị sử dụng lao động, cần sắp xếp hợp lý và đặt hiệu quả làm việc lên trên hết. Chỉ khi đó tình trạng thừa “thầy” nhưng thiếu “thợ”, xu hướng “phổ cập” thạc sĩ, tiến sĩ mới có thể được hạn chế.

Vì thế, để đạt được mục tiêu ít nhất 30% học sinh chuyển sang học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, cần sự nỗ lực vượt bậc, có những giải pháp đột phá đặc biệt của ngành giáo dục và thay đổi của toàn xã hội.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : đào tạothiếu thợthừa thấy

Các tin liên quan đến bài viết