Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh là bắt buộc, tuy nhiên trên địa bàn thị xã Phước Long học sinh tham gia BHYT năm học 2016-2017 chỉ đạt 81,6%. Qua giám sát chuyên đề về chính sách BHYT của Ban Kinh tế – Xã hội HĐND thị xã Phước Long mới đây cho thấy, vấn đề này còn nhiều bất cập khiến đối tượng không muốn tham gia.

Y TẾ HỌC ĐƯỜNG CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM ĐÚNG MỨC

Hiện nay, hầu hết các trường THPT, THCS, tiểu học trên địa bàn tỉnh đều bố trí nhân viên y tế học đường. Các trường đầu tư phòng y tế riêng, được trang bị một số thiết bị y tế, tủ thuốc và thuốc thiết yếu phù hợp lứa tuổi. Nhân viên y tế đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, sơ cứu ban đầu, cấp thuốc điều trị những bệnh thông thường như đau đầu, đau bụng, cảm sốt… và lập sổ theo dõi sức khỏe học sinh. Hằng năm, các trường đều ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, Trung tâm Y tế thị xã tổ chức khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Tuy nhiên một số trường vẫn chưa có phòng y tế hoặc phòng y tế tạm như THCS Phước Bình, THCS Phước Tín, tiểu học Phước Tín B, tiểu học Trần Hưng Đạo…; chưa có nhân viên y tế như tiểu học Phước Tín B, tiểu học Sơn Giang, tiểu học Long Giang hoặc nhân viên y tế không đạt chuẩn như THCS Nguyễn Văn Trỗi, tiểu học Phan Bội Châu, tiểu học Phước Tín A. Đa số nhân viên y tế học đường có chuyên ngành dược, y tá, điều dưỡng, không đúng theo chuẩn quy định nên hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ y tế học đường (theo quy định, nhân viên y tế học đường phải có trình độ y sĩ từ trung cấp trở lên); chưa cập nhật kiến thức chuyên môn y tế cũng như tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do các ngành tổ chức. Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh và cha mẹ hoặc người giám hộ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống bệnh tật học đường, tai nạn thương tích, chăm sóc răng miệng… chưa được tổ chức thường xuyên. Một số trường không lập sổ khám bệnh, theo dõi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh như THCS Thác Mơ; lập sổ khám bệnh nhưng chưa đúng quy định như THPT Long Phước, tiểu học Thác Mơ, tiểu học Trần Hưng Đạo… Mặc dù trường có trang bị tủ thuốc nhưng việc bổ sung, cập nhật cơ số thuốc chưa thường xuyên, danh mục thuốc chưa phù hợp thực tế. Kinh phí được trích lại để phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh chưa được sử dụng hiệu quả. Căn tin trường học còn bày bán nhiều thực phẩm không có nhãn mác, hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc.

Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho học sinh tiểu học (ảnh chỉ mang tính minh họa) – Ảnh: K.B

CẦN SỰ VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ

Tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tại Phước Long đang có xu hướng giảm, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cấp, ngành. Năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh trên địa bàn thị xã tham gia BHYT đạt 86%, trong đó Trường tiểu học Phước Tín B đạt 46,9%. Năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT còn 81,6%, trong đó Trường tiểu học Phước Tín B chỉ đạt 42,75%. Nguyên nhân do sự phối hợp giữa các ngành trong việc phổ biến, tuyên truyền về chính sách BHYT chưa sâu rộng dẫn đến một bộ phận nhân dân, trong đó có học sinh chưa tự nguyện tham gia BHYT; Trung tâm Y tế thị xã chưa phối hợp tốt với Phòng GD-ĐT trong việc kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với y tế học đường. Hầu hết cán bộ quản lý và nhân viên y tế các trường học đều không thực hiện đúng nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12-5-2016 của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT, chưa quan tâm nâng cao chất lượng y tế học đường. Bước đầu tiên tiếp cận với chính sách BHYT của học sinh đã hạn chế nhưng bước tiếp theo tại các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực cũng không tốt về chất lượng và hiệu quả. Đó là một trong những lý do khiến năm 2016 tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân ở thị xã Phước Long đạt 74,19%, nhưng đến tháng 3-2017 tỷ lệ người dân tham gia BHYT giảm còn 73,64%.

Học sinh Trường tiểu học Thác Mơ nghỉ tại phòng y tế của trường

Năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT thị xã Phước Long đạt 74,19%. Trong đó học sinh, sinh viên đạt 81,6%; khối doanh nghiệp (tham gia bắt buộc) 10,4%; hộ gia đình (tự nguyện) 67,6%; hộ gia đình nông – lâm nghiệp có mức sống trung bình 20,2%.

Việc phát triển đối tượng tham gia BHYT cần sự phối hợp, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban liên quan. Nhưng thực tế một số đơn vị vẫn cho rằng việc này là trách nhiệm riêng của cơ quan bảo hiểm xã hội nên chưa quan tâm. Vì vậy để nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, phấn đấu đến năm 2020 toàn thị xã Phước Long có trên 92,6% số dân thị xã tham gia BHYT (trong đó tỷ lệ học sinh đạt 100%) rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phòng GD-ĐT thị xã cần chỉ đạo các trường trực thuộc triển khai thu BHYT học sinh theo quy định của pháp luật, đưa chỉ tiêu học sinh tham gia BHYT thành chỉ tiêu thi đua; tăng cường kiểm tra hoạt động y tế học đường và sử dụng quỹ chăm sóc sức khỏe; từng bước chuẩn hóa đội ngũ nhân viên y tế học đường đảm bảo năng lực đúng quy định. Các trường THPT, THCS, tiểu học cần đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHYT. Hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh theo 12 nội dung quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12-5-2016 của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT…

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : y tếy tế học đường

Các tin liên quan đến bài viết