Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri TP. Hà Nội, tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài chính khẳng định đã xây dựng đầy đủ cơ chế chính sách, đồng thời triển khai các giải pháp tích cực để giám sát tình hình hoạt động của các DNNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Luật đã quy rõ trách nhiệm

Trong kiến nghị, cử tri TP. Hà Nội, tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai nêu: Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án tham nhũng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước và gây tâm lý bức xúc trong nhân dân.

Điển hình như vụ ông Trịnh Xuân Thanh-nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang; vụ án tham nhũng tại Vinalines; vụ án Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam và đồng phạm…. gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Cử tri đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ các tập đoàn, DNNN.

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13, trong đó tại Chương V đã quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; tại chương VI quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 219/2015/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Thông tư số 200/2015/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Như vậy, về cơ chế chính sách theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành. Theo đó, các cơ chế chính sách đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.

Đề xuất xử lý ngay nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm

Về các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ các tập đoàn, DNNN, theo Bộ Tài chính, hiện nay, định kỳ 6 tháng và hàng năm, Bộ Tài chính đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng hợp kết quả giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp do các cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi Bộ Tài chính.

Trong đó, Bộ Tài chính tổng hợp việc chấp hành chế độ báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính nói chung của các doanh nghiệp, danh sách các doanh nghiệp được cơ quan đại diện chủ sở hữu đánh giá “Có dấu hiệu mất an toàn về tài chính”, đồng thời đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện công tác báo cáo giám sát tài chính theo quy định.

Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Tài chính thừa ủy quyền Chính phủ tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên toàn quốc để báo cáo Quốc hội với những phân tích, đánh giá tổng thể tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, đánh giá tình hình triển khai tái cơ cấu DNNN và phương hướng nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới. Tại các báo cáo này, Bộ Tài chính có kiến nghị các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện cụ thể.

Ngoài ra, đối với từng tập đoàn kinh tế, DNNN, hàng năm, căn cứ Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các tập đoàn kinh tế, DNNN và Báo cáo kết quả giám sát tài chính của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính ban hành công văn gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu đánh giá về tình hình tài chính các doanh nghiệp, đưa ra cảnh báo đối với các trường hợp mất an toàn về tài chính, quản lý, đầu tư vốn không hiệu quả, khả năng thanh toán nợ,… của doanh nghiệp để cơ quan đại diện chủ sở hữu phối hợp với người đại diện vốn tại doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp theo thẩm quyền.

Theo Hải quan Online

Từ khóa : cử triý kiến cử tri

Các tin liên quan đến bài viết