Hiện nay, các thủ tục liên quan đến thuế đã được tối giản giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên, với mong muốn tiếp tục giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh tốt hơn, Bộ Tài chính đang đưa ra nhiều đề xuất để giải quyết vướng mắc còn tồn tại trong doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)

Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính về thuế

Một trong những nguyên tắc của các quy định về thuế là phải đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, theo đó, yêu cầu đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế trên cơ sở tự khai tự nộp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đồng thời phát triển dịch vụ tư vấn thuế.

Chuyên gia kinh tế T.S Vũ Đình Ánh nhận xét, công tác quản lý thuế đã được hiện đại hóa vượt bậc cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, áp dụng rộng rãi công nghệ tin học, kỹ thuật hiện đại trên cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về người nộp thuế để kiểm soát được tất cả đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, vi phạm pháp luật về thuế… phát triển mạnh giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử, dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng.

Theo Bộ Tài chính, so với năm 2015, đến nay, Bộ Tài chính đã cắt giảm 85 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Bên cạnh đó, thực hiện theo các chỉ đạo tại Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành Thuế phải rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế không quá 119 giờ/năm. Nhờ đó, báo cáo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát hài lòng với những cải cách của ngành Thuế, các chỉ số thành phần khác đều tăng so với cuộc khảo sát năm 2015.

Một trong những thủ tục được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là hoàn thuế, ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, trước đây các doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian cho thủ tục này, nhiều doanh nghiệp mất đến hàng tháng thậm chí cả năm trời mới lấy lại được số tiền thuế đã nộp. Tuy nhiên, khi ngành thuế thực hiện thí điểm hoàn thuế điện tử tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước, doanh nghiệp không những tiết kiệm được thời gian mà cả chi phí nhân công, đi lại, bởi thủ tục này hiện chỉ còn 7 ngày cho tới 1 tháng. Nhờ thuế được hoàn nhanh nên giúp doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh, các doanh nghiệp có thể tiếp tục tái đầu tư, qua đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Mặc dù cải cách của ngành Thuế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn kêu than về tần suất thanh tra, kiểm tra thuế. Theo một cán bộ của VCCI cho biết, hơn 53% doanh nghiệp khảo sát từng tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra thuế trong 1 năm gần nhất. Doanh nghiệp càng có doanh thu, quy mô lớn thì tỷ lệ tiếp đoàn thanh, kiểm tra càng nhiều. Đặc biệt, có 9% cuộc thanh, kiểm tra thuế do các cơ quan khác thực hiện; thậm chí cả cơ quan kiểm lâm cũng thực hiện kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp.

Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo về số lượng thanh kiểm tra, không quá 1 lần/năm, tránh trùng lặp, chồng chéo… nhưng tại vài nơi, một số cơ quan vẫn chưa chấp hành nghiêm. Theo các doanh nghiệp, đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm gia tăng thủ tục thuế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp kiến nghị, thủ tục thuế phải giảm cả về số lượng và chất lượng; trong đó, ngành Thuế phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ để việc phục vụ doanh nghiệp được hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, doanh nghiệp còn phản hồi về một số thủ tục rườm rà, rắc rối. Không những thế, nhiều chính sách thuế thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện nên không thể tránh khỏi sai sót, thậm chí không biết làm như thế nào. Do đó, cơ quan Thuế cần tạo cơ chế thân thiện hơn với cộng đồng doanh nghiệp, thành lập nhiều hơn các đại lý thuế bởi một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có cán bộ chuyên trách về tài chính kế toán, họ cần những “cánh tay nối dài” để được hướng dẫn.

Có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp luôn trông chờ sự hoàn thiện đổi mới trong các thủ tục về thuế. Nên việc Bộ Tài chính cam kết việc sửa đổi các luật về thuế sẽ khắc phục những vướng mắc, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.

Minh Phương
dangcongsan

Từ khóa : doanh nghiệpgỡ khó cho doanh nghiệp

Các tin liên quan đến bài viết