Phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Kết nạp đảng viên mới nhằm tăng thêm sinh lực, sức chiến đấu cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên, bảo đảm tính kế thừa và phát triển của Đảng. Tuy nhiên, việc phát triển đảng viên ở các chi bộ nông thôn những năm vừa qua đang gặp không ít khó khăn. Đây là một trong những vấn đề đã được đề cập nhiều tại các hội nghị, hội thảo nhằm tìm ra nguyên nhân để tháo gỡ khó khăn và có hướng đi mới.

Tỉnh Bình Phước sau hơn 20 năm tái lập, công tác phát triển đảng viên, nhất là ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo đã được các cấp ủy đặc biệt chú trọng nhưng vẫn còn nan giải và đã xuất hiện những khó khăn mới.

NHỮNG KHÓ KHĂN NẢY SINH

KHÓ PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN

Về cơ sở để tìm hiểu công tác phát triển đảng viên tại chi bộ thôn, ấp, các đồng chí bí thư hoặc phó bí thư thường trực đảng ủy xã đều có chung câu trả lời là “rất khó khăn”. Những năm trước đã khó, bây giờ càng khó khăn hơn. Cái khó đầu tiên là việc tạo nguồn. Qua khảo sát cho thấy, số lượng thanh niên làm việc ở thôn, ấp không nhiều. Khi trưởng thành, đa số người trẻ ra thành phố, về thị xã trung tâm để đi học, tìm kiếm việc làm. Từ việc ít về số lượng nên rất khó để tổ chức phong trào, thanh niên ít có cơ hội để phát triển. Chi bộ cơ sở rất khó lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Việc giáo dục thanh niên hiện gặp nhiều khó khăn, vì đây là đối tượng chịu nhiều tác động từ môi trường xã hội xung quanh, nhất là tác động của mặt trái cơ chế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế. Một bộ phận thanh niên sinh sống tại thôn, ấp nhận thức chính trị còn hạn chế, ngại tham gia hoạt động đoàn – hội, không có ý chí phấn đấu vào Đảng. Hiện nay ở các vùng nông thôn trong tỉnh nhiều cơ sở đoàn hoạt động cầm chừng, có nơi chỉ còn bộ khung ban chấp hành. Nếu tổ chức đoàn các xã, chi đoàn thôn, ấp không tập hợp được thanh niên, không thu hút được lớp trẻ tham gia các phong trào của đoàn thì sẽ không có cơ hội phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng.

Lễ kết nạp đảng viên của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bù Gia Mập

Chúng tôi đã đến một số xã, phường để tìm hiểu về công tác phát triển đảng viên của cơ sở. Hầu hết các chi bộ thôn, ấp trên địa bàn tỉnh đều lâm vào tình trạng thiếu nguồn trầm trọng. Bí thư Đảng ủy xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập Điểu Mố cho biết, xã có 8 chi bộ thôn nhưng nhiều năm qua các thôn chưa phát triển được đảng viên trẻ nào. Đảng bộ xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) có chi bộ hơn 30 năm không kết nạp được đảng viên nào. Có chi bộ 9 đảng viên, nhưng 7 đồng chí già yếu miễn sinh hoạt. Mặc dù vậy nhưng nhiều năm chi bộ vẫn không kết nạp được đảng viên nào. Không chỉ ở các xã vùng xa, vùng sâu như Bù Gia Mập, Đắk Ơ mà ngay tại các xã đang xây dựng nông thôn mới như Phước Tín, Long Giang của thị xã Phước Long cũng rất khó khăn trong tạo nguồn để phát triển đảng viên. Tình trạng “già hóa” đảng viên ở vùng nông thôn là điều khó tránh khỏi.

NỖI LO CỦA LÃNH ĐẠO CẤP ỦY

Trao đổi về công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên ở một số xã, phường của thị xã Phước Long, đồng chí Hoàng Kim Dưỡng, Phó trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Phước Long cho rằng, hiện nay số thanh niên có trình độ hầu hết đều đi làm ăn nơi khác. Số còn lại chủ yếu là những đối tượng không đủ trình độ, năng lực; một số chơi bời lêu lổng, thậm chí còn “dính” vào các tệ nạn xã hội. Đảng bộ xã Long Giang hiện có 9 chi bộ, trong đó 5 chi bộ thôn, khu phố. Thế nhưng Long Giang cũng rất khó tạo được nguồn kết nạp Đảng, mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Đồng chí Phạm Minh Tú, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phước Tín cho biết, những năm vừa qua, Đảng bộ xã luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kết nạp đảng viên. Tuy nhiên số đảng viên mới tại các thôn, ấp rất ít mà chủ yếu là ở các trường học, chi bộ quân sự, cơ quan xã.

Đảng bộ xã Bù Gia Mập trong 7 tháng năm 2017 đã kết nạp được 4 đảng viên nhưng chỉ có 1 người là trưởng thôn (đã 40 tuổi), còn lại đều ở các chi bộ cơ quan của xã và trường học. Bí thư Đảng ủy xã Bù Gia Mập Điểu Mố lo lắng: Hiện nguồn đoàn viên, thanh niên ưu tú của xã đang “cạn” dần, không biết những năm tới làm thế nào để bảo đảm chỉ tiêu huyện giao. Nguồn từ thanh niên đã khó, tạo nguồn từ các đối tượng là trưởng các tổ chức đoàn thể ở thôn cũng không dễ, bởi những quần chúng tích cực muốn phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì trình độ văn hóa phải đạt chuẩn, không vi phạm các chính sách của nhà nước và địa phương.

Nỗi lo của bí thư cấp ủy cũng như các chi bộ cơ sở ở vùng nông thôn về việc bảo đảm chỉ tiêu kết nạp đảng viên hằng năm, rồi cả nhiệm kỳ là có cơ sở. Mặc dù đã có những chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên về vấn đề này, trong đó là những giải pháp đã được bàn rất kỹ, nhưng khi triển khai thực hiện thực tế mới thấy được khó khăn, nan giải. Vấn đề đặt ra là nếu bị sức ép, chạy theo chỉ tiêu trên giao thì khó bảo đảm chất lượng đảng viên mới. Vì vậy, việc tạo nguồn, đẩy mạnh phát triển đảng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ. Trên thực tế đã có một số cách làm hay từ cơ sở.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : kết nạp đảngviênphát triển Đảng

Các tin liên quan đến bài viết