Đa số người đốt vàng mã đều mang trong lòng niềm tin người thân đã khuất của mình sẽ có cuộc sống đủ đầy ở thế giới bên kia. Chính vì thế, càng khá giả người ta càng sắm thật nhiều nhà lầu, xe hơi, quần áo đủ sắc màu… rồi đốt cho người đã mất. Tuy nhiên, việc “hóa vàng” không còn mang ý nghĩa tâm linh mà bị biến tướng “xin – cho”, gây ô nhiễm, tốn hao tiền của, nặng tính mê tín dị đoan trong cộng đồng…
Theo tục lệ, đến hẹn lại lên, tháng 7 gắn với lễ “xá tội vong nhân”, các gian hàng chuyên bán vàng mã ở chợ Đồng Xoài trưng bày đầy đủ các loại sản phẩm “phục vụ” cõi âm. Ngày xưa đơn thuần là những bộ quần áo, ngựa, tiền vàng… thì bây giờ có thêm nhà lầu, xe hơi, các sản phẩm công nghệ như tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt… đáp ứng đầy đủ nhu cầu “trần sao âm vậy”.
“SỢI DÂY” VĂN HÓA TÂM LINH
Văn hóa tâm linh có những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống của người dân, giúp mọi người đắn đo khi làm việc xấu, việc ác vì sợ “về cõi âm” sẽ bị trừng trị. Từ đó lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng về nguồn cội, ông bà, tổ tiên. Nhưng mặt trái của văn hóa tâm linh ngày càng nặng nề xuất phát từ quan niệm “trần sao âm vậy”. Chính vì thế, nhiều người đã “suy bụng ta ra… bụng tổ tiên”, áp đặt cách sinh hoạt trần tục vào chốn linh thiêng. Mỗi năm, vào mùa lễ “xá tội vong nhân” người ta lại chen chúc nhau đến các cửa hàng vàng mã mua thật nhiều lễ lộc về đốt hoặc đến chùa, mang theo lễ vật hậu hĩnh, tất cả chỉ với niềm mong được phù hộ, giải hạn, trừ tà, cầu tài cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức, bán đắt buôn may, trúng dự án…
Người dân mua vàng mã về đốt đang gây ra nhiều hệ lụy khó lường
Chừng 7 giờ, bà Hồng đã tất tả từ xã Đồng Tiến (Đồng Phú) về khu chợ lồng Đồng Xoài mua vàng mã. Đang chọn 2 chiếc áo sơ mi, chục thỏi vàng và những sấp tiền Việt, đô la Mỹ, vàng lá…, bà Hồng cho biết: “Năm nào cô cũng ra đây mua quần áo, vàng mã về cúng tổ tiên. Có thờ có thiêng cháu ạ!”. Khi tôi hỏi: “Sao cô không mua ở chợ xã?”, bà Hồng cho biết: “Ở đó cũng có nhưng không đầy đủ như chợ Đồng Xoài”.
Việc mua bán vàng mã ở chợ Đồng Xoài phục vụ lễ “xá tội vong nhân” và Vu lan năm nay không tấp nập như những năm trước. Khu chợ lồng là nơi chuyên bán hàng mã cũng ít khách mua. Gian hàng bên trục đường chính của chợ, tiện cho các loại xe ghé vào mua nhưng chị Hảo vẫn than thở: “Năm nay, hàng mã bán chậm hơn 1/3 đến một nửa so với năm ngoái. Sát ngày rằm rồi mà vẫn chưa nhiều người mua sắm đồ. Có lẽ do mủ cao su, điều rớt giá nên người dân vùng nông thôn ít đi sắm lễ hơn”.
Trước đây, người ta đốt vàng mã cho người đã khuất chỉ là những tiền, vàng mã thì nay, người ta làm tiền, vàng mã giống hệt tiền thật và chủ yếu là mệnh giá 200 và 500 ngàn đồng cùng hàng sấp tiền 100 USD. Trước đây, người dân nghĩ người chết chỉ cần gạo, muối, quần áo, giày dép, tiền bạc thì nay họ đốt thêm cả vàng mã xe máy xịn, xe hơi, nhà lầu, điện thoại di động, thậm chí còn đốt cả vàng mã vợ lẽ, bồ nhí… Điều đó khác nào suy nghĩ “trần sao âm vậy” rồi cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, thác loạn nơi âm giới.
HỆ LỤY CỦA VIỆC ĐỐT VÀNG MÃ
Đại đức Thích Giác Đạo, Chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh chia sẻ: “Quan niệm chánh kiếp của nhà Phật đốt vàng mã là không cần thiết. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, nhiều vụ cháy do đốt vàng mã còn đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người dân. Nguy hại hơn là gia tăng tình trạng mê tín dị đoan, lối suy nghĩ và cách hành xử tiêu cực, chạy theo các giá trị vật chất hiện sinh. Người ta lấy đồng tiền làm “thước đo” của lòng thành, làm giá trị để “mặc cả” với thần linh. Họ hiểu rằng, lễ vật càng nhiều, tỷ lệ “phù hộ” càng cao. Vậy là “hối lộ cõi âm” chứ không còn đơn thuần là báo hiếu với ông bà, tổ tiên. Còn thần linh mà cũng phải cung phụng, “chạy chọt” mới độ trì liệu có xứng đáng tôn thờ? Theo tôi nên dành tiền đốt vàng mã vào việc làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, cơ nhỡ, khó khăn. Lời cha ông ta đã từng nhắc nhở mới là tinh thần của giáo lý nhà Phật: “Dù xây chín bậc phù đồ/Không bằng làm phúc cứu cho một người”.
Tình trạng biến tướng, lạm dụng quá đà việc đốt vàng mã của một bộ phận người dân không những gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường. Cũng hòa vào nhóm người mua vàng mã về cúng nhưng chị Lê Thị Lan ở phường Tân Bình (Đồng Xoài) lại nói: “Tôi thấy mình ảnh hưởng phong tục của ông bà xưa nên mua chứ đốt tiền, quần áo vàng mã không biết các cụ dưới âm có nhận được không? Thật ra, đốt vàng mã vừa lãng phí, hít khói độc, có khi không may gặp hỏa hoạn còn đáng lo hơn”.
Theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, mỗi năm có khoảng 50 ngàn tấn vàng mã được sử dụng. Riêng tại Hà Nội tiêu thụ trên 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Với số tiền này đã có thể xây dựng được nhiều ngôi trường ở vùng sâu, xa, khó khăn… Đó là chưa kể nhiều loại vàng mã làm từ giấy đặc biệt đốt cháy không hoàn toàn sẽ phát sinh ra khí dioxin (chất độc màu da cam) hoặc chứa chất độc hại benzen ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Benzen là một loại chất độc và chất gây mê, nhẹ thì chóng mặt, đau đầu và kích động; nặng bị co giật, ảnh hưởng đến hô hấp và có thể tử vong…
Tục đốt vàng mã đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tâm thức của nhiều người nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, với những “lợi bất cập hại”, thiệt hại và nguy cơ khó lường từ đốt vàng mã gây ra, liệu chúng ta có nên tiếp tục duy trì?
Nguồn Báo Bình Phước