Đặc thù đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh, Trường Chính trị tỉnh đã và đang có rất nhiều nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Gắn liền với các chương trình đột phá về “Đào tạo, thu hút cán bộ và phát triển nguồn nhân lực” và “Đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực” mà các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII và IX đề ra, Trường Chính trị tỉnh có một sứ mệnh không nhỏ làm nên thành công của nghị quyết. Chính vì thế, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1359/QĐ-UBND và Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 50-KH/TU mở cho trường những hướng đi mới, vững chắc hơn.

MẤU CHỐT TỪ CHẤT LƯỢNG VÀ CHUẨN HÓA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

Bên cạnh Ban giám hiệu, 3 phòng chức năng, Trường Chính trị tỉnh hiện có 4 khoa gồm: Xây dựng Đảng; Nhà nước và Pháp luật; Dân vận; Lý luận Mác-Lênin – tư tưởng Hồ Chí Minh. Đội ngũ giảng viên có 23/46 người, trong đó cơ hữu ở các khoa 15 người, còn lại là giảng viên kiêm chức thuộc Ban giám hiệu và các phòng chức năng. “Kết quả lớn nhất trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng là lãnh đạo trường luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ lý luận chính trị, kỹ năng sư phạm để nâng cao trình độ, đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ với 1 nghiên cứu sinh, 15 thạc sĩ, 4 giảng viên chính, 2 chuyên viên chính và 1 người đang theo học thạc sĩ. Song song đó, trường có 16 giảng viên trình độ cao cấp lý luận chính trị; 8 trung cấp lý luận chính trị – hành chính và 7 đang học trung cấp lý luận chính trị – hành chính” – Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Thường trực Tỉnh ủy và Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh

 Chính sự đồng bộ, chất lượng được đầu tư đúng hướng của đội ngũ giảng viên nên hơn 20 năm qua, Trường Chính trị tỉnh đã trực tiếp tổ chức và phối hợp đào tạo, bồi dưỡng 263 lớp cho 24.225 lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Trong đó đào tạo 123 lớp/11.502 học viên và bồi dưỡng được 140 lớp/12.723 học viên thuộc nhiều lĩnh vực, chuyên ngành, tiêu biểu như: cao cấp lý luận chính trị; cử nhân Luật, Hành chính, Quản lý văn hóa, Báo chí, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước; Trung cấp lý luận chính trị – hành chính; Luật; Văn thư – Lưu trữ; Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; cán bộ các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể…

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: “Cùng với việc đáp ứng yêu cầu mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trường thường xuyên thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn tuân thủ quy tắc nghề nghiệp; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; ý thức phấn đấu vươn lên, từng bước khẳng định và nâng cao uy tín của trường. Ngoài bố trí đội ngũ giảng viên, nhân viên phục vụ khoa học, hợp lý, theo đúng kế hoạch, Ban giám hiệu còn thường xuyên thực hiện các biện pháp đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên; từng bước đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại. Hằng năm, đội ngũ cán bộ, giảng viên đều được bồi dưỡng chuyên sâu; tổ chức thi hết môn, hướng dẫn viết tiểu luận, chấm tiểu luận cuối khóa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, quy định”.

ĐẨY MẠNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN

“Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, trường đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện trường đã thực hiện được 11 đề tài khoa học, trong đó nghiệm thu 9 đề tài, gồm: 1 cấp tỉnh, 1 cấp cơ sở và 7 cấp trường, đang triển khai nghiên cứu 2 đề tài cấp cơ sở. Kết quả các đề tài được nghiệm thu đều xếp loại khá trở lên, tính ứng dụng của các đề tài khoa học khá cao, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn” – thầy Nguyễn Văn Hậu nhận xét. 

Tuy nhiên, thầy Hậu cho rằng, trường chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh; thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh phát triển. Điều đáng mừng là nhiều năm trở lại đây, trường đã tổ chức cho các giảng viên đi nghiên cứu thực tế từ 15-20 ngày ở một số trường chính trị trong cả nước, các huyện, thị xã trong tỉnh, nhằm học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn phục vụ giảng dạy. Việc chú trọng nghiên cứu thực tế tại các xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn, biên giới trong tỉnh cũng đang tạo sự gắn kết giữa trường với cơ sở. Từ đó, bài giảng sống động, gắn với thực tiễn, giúp học viên tích lũy kinh nghiệm phục vụ công tác.

Tuy đã có những thành quả nhất định nhưng với “tầm” đào tạo cán bộ cho tỉnh, thầy Hậu trăn trở: “Quy mô các loại hình đào tạo, bồi dưỡng chưa thật sự hợp lý, toàn diện; chưa phối hợp, liên kết với các học viện, trường đại học có uy tín mở  lớp đào tạo sau đại học theo nhu cầu của tỉnh. Loại hình bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo chuyên ngành và chức danh; kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ triển khai chưa nhiều. Do không quy hoạch, thiết kế xây dựng tổng thể trường khi mới thành lập nên thiếu tính liên kết, hệ thống mỗi khi mở rộng”.

HƯỚNG ĐẾN TẦM CAO MỚI

Căn cứ Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 15-3-2017 của Tỉnh ủy về đào tạo lý luận chính trị, đào tạo sau đại học các chuyên ngành; bồi dưỡng cập nhật kiến thức và thu hút phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020; Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 14-6-2016 của UBND tỉnh Bình Phước về phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020 của Trường Chính trị tỉnh, hiện trường hướng đến tăng cường đào tạo hệ tập trung, giảm đào tạo hệ vừa làm vừa học; nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, trường đào tạo khoảng 2.000 học viên, trong đó 1.400 cán bộ đương chức và dự nguồn quy hoạch cấp xã; trưởng, phó phòng cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; trưởng, phó các đơn vị sự nghiệp công lập và 600 học viên là viên chức lãnh đạo, quản lý. Giai đoạn 2021-2025, đào tạo khoảng 2.500 học viên, trong đó, hệ tập trung khoảng 2.000 học viên; hệ vừa làm vừa học khoảng 500 học viên. Đến giai đoạn 2026-2030, trường đào tạo khoảng 2.500 học viên và chỉ theo hình thức tập trung.

Để đảm đương nhiệm vụ, lãnh đạo trường cũng đã xây dựng kế hoạch đến hết năm 2020 phấn đấu 90% đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên; 80% trưởng, phó các phòng, khoa và giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị và 100% giảng viên đạt chuẩn về ngoại ngữ theo ngạch. Hiện nay, trường chủ động cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước vào giảng dạy; phấn đấu đến năm 2018, 100% giảng viên sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, học viên tham gia tích cực vào quá trình đào tạo. Giảng viên giúp học viên tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn trong công tác; quan tâm hơn về phương pháp luận, định hướng nghiên cứu, gia tăng hàm lượng khoa học và thực tiễn, kỹ năng công tác, phong cách lãnh đạo, quản lý cho người học. Ngoài ra, trường còn xây dựng kế hoạch chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo quốc tế có uy tín, qua đó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, áp dụng có hiệu quả trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ về đào tạo giảng viên, tài chính và trang thiết bị dạy, học hiện đại.

Chính sự chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường mở rộng liên kết, phối hợp, đa dạng hóa nội dung chương trình, đối tượng đào tạo, thực hiện đào tạo có mục tiêu, theo yêu cầu, Trường Chính trị tỉnh đang từng bước khẳng định thương hiệu và là cái “nôi” phát triển nguồn nhân lực cán bộ chất lượng cao cho tỉnh.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí MinhTrường chính trị

Các tin liên quan đến bài viết