Việc Chính phủ quân đội và Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO) hôm 27/8 (giờ địa phương) lên tiếng phủ nhận giúp nữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bỏ trốn càng khiến công chúng hoài nghi hơn về bức màn thực sự đứng sau vụ tẩu thoát lịch sử này. 

Hiện vẫn chưa rõ điểm dừng chân cuối cùng của bà Yingluck là Dubai hay Anh Quốc
Hiện vẫn chưa rõ điểm dừng chân cuối cùng của bà Yingluck là Dubai hay Anh Quốc

Cựu Thủ tướng Thái Lan đang ở đâu?

6 tiếng sau thông tin bà Yingluck bỏ trốn, truyền thông Thái Lan tiết lộ nguồn tin thân cận với gia đình Yingluck cho biết bà đã đi bằng máy bay riêng đến Trat, từ đó bà được cộng sự thân tín hộ tống đi qua biên giới Thái Lan để sang tỉnh Koh Kong của Campuchia

Một ngày sau, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan xác nhận bà Yingluck đã rời đất nước. Ông không khẳng định bà Yingluck đang ở đâu song cho rằng bà Yingluck có vẻ đang không ở các quốc gia láng giềng. Ông cũng cho biết giới chức Thái Lan đã liên hệ với phía Campuchia và Singapore để xác minh, nhưng phía Singapore khẳng định bà Yingluck không nhập cảnh vào nước này.

Cùng lúc đó, Reuters dẫn nguồn nội bộ Đảng Pheu Thai của cựu nữ Thủ tướng xác nhận bà đã rời khỏi Thái Lan từ tuần trước, bay qua Singapore và hiện “đã an toàn và khỏe mạnh” tại Dubai, nơi anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong.

Trong diễn biến mới nhất được The Nation cung cấp hôm 28/8, dư luận càng thêm bất ngờ khi Dubai không phải điểm dừng chân cuối cùng của bà Yingluck.

“Nhưng Dubai không phải điểm dừng chân cuối của bà”, một nguồn tin mật tiết lộ và nói thêm rằng cựu Thủ tướng Yingluck có thể sẽ xin tị nạn tại Anh.

Ai giúp bà Yingluck bỏ trốn?

“Bà ấy (Yingluck) bị chính quyền giám sát chặt chẽ. Chẳng có lý gì mà bà ấy rời được khỏi đất nước khi không có sự giúp đỡ”, nhà hoạt động thuộc phong trào “Áo đỏ” Thanawut Wichaidit khẳng định.

Như một lời giải thích, Bangkok Post hôm 26/8 dẫn nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo cấp cao Thái Lan cho biết một số quan chức chính quyền đã “bật đèn xanh” để bà Yingluck chạy trốn.

“Việc bà ấy bị kết tội hay đi tù sẽ gây ra bất ổn xã hội, vì thế họ cho rằng để bà ấy ra đi là lựa chọn tốt nhất”, nguồn tin này giải thích.

Ở một giả thuyết khác, các nguồn tin thân cận với giới quyền lực Thái Lan cho hay chính ông Thaksin đã dựng lên kịch bản hoàn hảo này.

“Thaksin đã lên kế hoạch chạy trốn cho em gái từ lâu. Ông ấy sẽ không để em gái mình sống một ngày nào trong tù”, nguồn tin này cho biết.

Truyền thông Thái Lan đánh giá gia đình Shinawatra từ lâu đã có quan hệ thân thiết với giới chức ở Campuchia. Do đó, ông Thaksin có thể đã tác động để bà Yingluck có hộ chiếu Campuchia, sau đó đi từ Bangkok thẳng đến Phnom Penh (?).

Song, Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith ngày 27/8 dẫn lời Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, theo đó bác bỏ thông tin cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra lợi dụng nước này để trốn khỏi Thái Lan.

“Bà Yingluck không phải công dân nước chúng tôi, vì thế chúng tôi không cấp hộ chiếu cho bà ấy”, ông Sok Sorphon, Cục phó cục xuất nhập cảnh Campuchia cho biết.

Thỏa hiệp hay đơn thuần là lỗ hổng an ninh?

Ngay khi vụ việc bỏ trốn xảy ra, phó cảnh sát trưởng Thái Lan Srivara Rangsibrahmanakul cho biết cảnh sát không nắm được hồ sơ về việc bà Yingluck bỏ trốn ra nước ngoài cũng như việc bà ấy đang ở đâu. Điều này gián tiếp công nhận an ninh lỏng lẻo tại các vùng biên giới và cửa khẩu của Thái Lan.

Ông Panthep Puapongpan, một trong những lãnh đạo của cuộc biểu tình năm 2014 nhằm lật đổ chính quyền của bà Yingluck lên tiếng: “Rõ ràng giới chức an ninh theo dõi sát bà ấy, chụp ảnh bà ấy ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng cuối cùng bà ấy vẫn trốn thoát”.

Yahoo News dẫn lời ông Panthep cũng nói thêm: “Chính phủ, lực lượng an ninh và Hội đồng Hòa bình và Trật tự (NCPO) phải chịu trách nhiệm về việc bà Yingluck bỏ trốn”.

Thế nhưng, tờ Asian Coresspondent cho rằng, bà Yingluck có thể đã có thỏa thuận tẩu thoát với chính quyền quân sự Thái Lan nhằm qua mặt hệ thống an ninh nghiêm ngặt để rời khỏi đất nước.

Thực tế là, dù đã bị tước mất phần lớn quyền lực, nhưng sức ảnh hưởng của bà Yingluck và gia đình Shinawatra đến người dân Thái Lan vẫn vô cùng lớn. Cảnh sát Thái Lan ước tính có khoảng 3.000 người ủng hộ đã tập trung bên ngoài tòa án Bangkok vào hôm 25/8, nơi bà Yingluck nghe phán quyết của tòa án về vụ chính sách trợ giá gạo mà bà đã thực hiện khi còn là thủ tướng. Con số này càng chứng minh rõ hơn lực lượng đông đảo những người ủng hộ và đặt niềm tin vào bà.

Do đó, hành động chính quyền âm thầm tiếp tay cho bà Yingluck có thể coi là giả thuyết hợp lý nhằm hạn chế tình trạng biểu tình hay phản ứng thái quá từ những người ủng hộ nữ cựu thủ tướng xinh đẹp. Việc gia đình Shinawatra chính thức rời bỏ chính trường Thái Lan đồng thời sẽ gián tiếp khiến cơn giận dữ của phe áo đỏ nguội dần.

Tuy nhiên, người phát ngôn Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO) Winthai Suvaree hôm 27/8 khẳng định chính phủ quân đội và NCPO không cho phép cựu Thủ tướng Yingluck trốn khỏi Thái Lan. Họ khẳng định không biết bằng cách nào nữ cựu Thủ tướng có thể lọt qua lưới an ninh.

Khi chưa ai trực tiếp khẳng định ngày tàn của đế chế Shinawatra đã đến, cũng không một kênh thông tin nào kiểm chứng được liệu bà Yingluck có xin tị nạn ở Vương quốc Anh, Bangkok Post đã nhanh chóng đăng bài viết với tiêu đề “Sự kết thúc của thời kỳ Shinawatra”.

Trung tướng Weerachon Sukon-patipak, người phát ngôn của Chính phủ hôm 28/8 cũng cho biết Bộ Ngoại giao nước này đang từng bước thu hồi hộ chiếu của bà Yingluck.

Rất có thể, cựu Thủ tướng Thái Lan sẽ phải sống cả phần đời còn lại trong cảnh lưu vong, trừ khi có lệnh ân xá từ hoàng gia, bởi Hiến pháp mới của Thái Lan không đưa ra bất cứ thời hạn nào trong việc xét xử nữ cựu thủ tướng.

Theo khoahocthoidai.vn

Từ khóa : bà YingluckThủ tướng Thái Lan YingluckThủ tướng Yingluck

Các tin liên quan đến bài viết