Người bệnh ung thư nằm ghép từ 2 người/ giường để điều trị tại khoa nội 4, bệnh viện Ung bướu TP.HCM |
Và nhiều người đã gởi đến Tuổi Trẻ những dòng tâm sự. Dưới đây là bức thư của một người bệnh từ Đà Nẵng. Ở đó, có nỗi niềm chung của nhiều người đồng bệnh. Tuổi Trẻ xin trích đăng. “Trong số nhiều người bệnh ung thư cùng điều trị năm 2011 với tôi ở một bệnh viện tại miền Trung, đến nay còn tôi và một người bệnh tên O. ở Nghệ An còn sống. Khi tôi viết những dòng này, nước mắt tôi vẫn chảy dài, tôi đã kéo dài cuộc sống được 6 năm. Hồi đó là khoảng 2011, tôi được phát hiện bị ung thư. Nhìn trên tivi, tôi thấy Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có đến 5-6 người bệnh trên một giường bệnh, tôi nói với các em tôi là “thôi để chị chết”, vì chật chội như vậy, khó khăn như vậy, tôi sợ không thể vượt qua. Lúc ấy con bé của tôi mới bước vào lớp 5. Nhưng người em tôi có quen với một bác sĩ, tôi quyết định đến một bệnh viện ở miền Trung điều trị. Nhờ người em nên khi đến đây tôi được mổ ngay. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ bác sĩ mổ cho tôi, bác sĩ rất hiền. Khi tôi được mổ xong, bác sĩ nhất định không nhận bì thư cảm ơn. Những người chung phòng bệnh với tôi cũng nói như vậy. Ở đây mỗi giường bệnh 2-3 người. Sài Gòn, Hà Nội đều 5-6 người/giường bệnh, ở đây 2-3 người đã là quá may rồi. Sau mổ 20 ngày là giai đoạn truyền hóa chất. Ngày đầu truyền hóa chất tôi rất mệt, bị sốc. Đa số người ở đó không biết hóa chất họ được truyền là hóa chất gì, nhưng tôi thì có hơi biết vì tôi am hiểu thuốc tây. Tôi nói với bác sĩ: “Hãy truyền cho tôi loại tốt nhất vì con tôi mới vào lớp 5”. Nhưng điều tôi không tưởng tượng được là bệnh viện rất hay thiếu thuốc. Hết đợt hóa chất thứ nhất, tôi về lại Đà Nẵng. Theo lịch thì cứ 18 ngày sẽ truyền một đợt, nhưng đến ngày truyền thì bệnh viện báo là đợi vì chưa có hóa chất, và phải đợi. Tôi nhớ cô H., một người bệnh ở Đắk Lắk: cô cứ ngồi chờ miết, rất kiên nhẫn, mặc dù không biết lúc nào có thuốc. Có người trong chúng tôi đã chờ đến hai tháng. Lúc đó, tôi rất bức xúc và đã đi gặp bác sĩ. Tôi nói “tế bào ung thư không chờ đợi, nếu tôi không được truyền, tôi sẽ gọi báo chí vào cuộc”. Khi đó mắt tôi trắng dã, đầu trọc lóc, mặt đen như Bao Công. Tôi nghĩ tôi chết cũng được, tôi chấp nhận, nhưng phải làm rõ và không thể nằm chờ. Hôm sau tôi được bệnh viện thông báo là có thuốc truyền. Tôi nghĩ là tất cả đều có thuốc, tôi rất mừng. Nhưng khi đến bệnh viện hỏi thì các bệnh nhân khác vẫn đang phải chờ, tất cả mọi người đều chưa có thuốc, ngoại trừ một mình tôi. Một mình nằm truyền hóa chất, ở ngoài kia là những người cùng cảnh ngộ. Nhưng lúc đó tôi đã im lặng. Những lần sau đó cũng như vậy, những người khác đều phải chờ, trừ tôi. Sau đó một thời gian thì cô H. mất, đến bây giờ thì tất cả những người điều trị cùng tôi hồi đó đã ra đi, ngoại trừ tôi và một người nữa là cô O. ở Nghệ An. Tôi sống nhưng lúc nào cũng day dứt và ân hận, lúc đó vì sao tôi không mời báo chí đến phỏng vấn và lấy tin, để báo chí đấu tranh cho những người như mình? Mình có ác không khi chỉ nghĩ đến mình? Nếu khi đó có đủ thuốc, có phải là nhiều người xung quanh tôi còn sống như tôi, đã qua được 6 năm?…Sau này tôi còn đi tìm hiểu về giá thuốc mình được sử dụng, tôi giật mình vì giá thuốc cao hơn nhiều so với giá bán ở nơi sản xuất là Hàn Quốc. Vì sao giá cao và giá trị thật là bao nhiêu? Còn rất nhiều người nghèo, họ sẽ khó khăn rất nhiều. Tôi xin gửi những băn khoăn này đến bà bộ trưởng”.
Ung thư không phải là dấu chấm hết
“Các vị đã từng có người thân bị ung thư chưa? Đã chứng kiến cảnh người thân của mình đau đến tím tái cả người, đến dại cả mắt và không thể kiểm soát nổi cơn đau chưa? Nếu chứng kiến cảnh như vậy bọn bất nhân đó có dám làm không? Có dám đánh cắp niềm hi vọng cuối cùng của những người bệnh khốn khổ không? Có ai trả lời giùm chúng tôi những câu hỏi đó không? Hãy bảo vệ chúng tôi, cho chúng tôi quyền được hi vọng và quyền được sống. Hãy cho chúng tôi niềm tin như chúng tôi vẫn hằng động viên nhau: ung thư không hẳn là dấu chấm hết”- một bức thư khác viết. |
Nguồn: tuoitre.vn