Liên quan tới vụ cháy số 68 đường Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy vừa có báo cáo tổng thể vụ việc.
Kỷ luật khiển trách với một Phó Chủ tịch UBND quận
Theo đó, với trách nhiệm quản lý nhà nước, ý thức nghiêm túc, tính cầu thị cao, UBND quận Cầu Giấy xin nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy (PCCC). UBND quận cũng đã tổ chức họp kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan.
Cụ thể, với các tập thể, UBND quận, Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND Phường… đã tổ chức các cuộc họp kiểm điểm nghiêm túc, trên cơ sở phân tích chức năng, nhiệm vụ được giao, các việc đã triển khai, các tập thể này đã rút kinh nghiệm sâu sắc và đã đề ra các biện pháp, giải pháp thực hiện PCCC.
Đối với cá nhân, Phó Chủ tịch quận Trịnh Thị Dung chịu hình thức kỷ luật khiển trách. Quận đã gửi hồ sơ kiểm điểm cá nhân bà Trịnh Thị Dung về UBND TP để xem xét kỷ luật theo quy định.
Vụ cháy tại 68 Trần Nhân Tông, Cầu Giấy gây hậu quả thảm khốc. Ảnh: Nam Nguyễn |
Hội đồng kỷ luật cũng đã ban hành các quyết định kỷ luật bà Nguyễn Thị Xuân Nữ, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin và Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Ngọc Ánh với hình thức cách chức.
Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Thắng, Công chức phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Tiến Huy bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Trong thời gian tới, Quận ủy Cầu Giấy chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia PCCC, đưa nội dung này vào chỉ đạo hoạt động công tác tháng, quý, năm.
Các đơn vị tuyên truyền, vận động nhân dân, cơ sở kinh doanh về công tác PCCC. Thành lập mỗi phường một đội PCCC gồm 10 dân quân trực từ nay tới hết Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Giao Ban Chỉ huy Quân sự quận chỉ đạo đội PCCC, trang bị đầy đủ phương tiện thiết thực.
Quận cũng duy trì tổ PCCC với ít nhất 3 người. Phòng Cảnh sát PCCC số 3 phân công cán bộ xuống từng địa bàn hướng dẫn, tập huấn. Mọi công việc phải hoàn thiện trước ngày 5/12/2016.
Thời gian qua, UBND quận Cầu Giấy cũng đã kiểm tra, rà soát tổng thể hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn.
Theo đó, toàn địa bàn có 99 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó có 88 cơ sở kinh doanh có giấy phép đăng ký kinh doanh, 8 cơ sở kinh doanh không phép đã được kiểm tra, xử lý và ngừng hoạt động trước ngày 30/9/2016, 3 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép.
Trong tháng 11, 65/65 cơ sở kinh doanh karaoke đã tháo dỡ biển hiệu, biển quảng cáo che kín mặt tiền, lắp đặt sai quy định, không giấy phép, che mất lối thoát nạn.
Ngoài ra đã kiểm tra tháo dỡ 101 biển hiệu trên 20m2. Tạm dừng hoạt động 18 cơ sở kinh doanh gas không đủ điều kiện an toàn PCCC.
Lập biên bản đình chỉ hoạt động của 85/85 cơ sở kinh doanh karaoke có giấy phép đăng ký kinh doanh karaoke nhưng không đủ điều kiện về PCCC…
Đồng thời tạm dừng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh karaoke theo đúng chỉ đạo của TP…
Cấp tập phương án PCCC
Quận Cầu Giấy cũng yêu cầu UBND các phường lưu ý các khu vực nhà nghỉ với yêu cầu kiểm tra ngay, dừng các cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC; các trường mầm mon, tiểu học, đặc biệt là các trường ngoài công lập, các lớp mầm non tư thục.
Dừng ngay các hoạt động cơ sở kinh doanh phế liệu, các cửa hàng bán gas không đủ điều kiện PCCC; các chung cư mini, khắc phục ngay các thiếu sót về PCCC.
Với các chợ trên địa bàn, UBND quận Cầu Giấy yêu cầu ngắt hết nguồn điện khi nghỉ, bố trí đầy đủ bình PCCC cho các hộ kinh doanh. Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm về PCCC. Quận đặc biệt chú ý chợ xe máy Dịch Vọng.
Với các chung cư, quận này yêu cầu, kiểm tra ngay lối thoát nạn, thoát hiểm, các bể nước cứu cháy. Di chuyển các kho hàng tại tầng 1 tòa nhà chung cư.
Khi xảy ra sự cố, các tuyến đường cần tháo dỡ barie, bục chắn đường gây cản trở giao thông, cản trở phương tiện PCCC.
Công ty Điện lực Cầu Giấy chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra các bốt điện PCCC. Phòng Cảnh sát PCCC số 3 ứng trực xử lý kịp thời các đám cháy. Đề xuất quận cấp kinh phí mua trang thiết bị PCCC, nghiên cứu phương án trang bị xe lam, xe máy PCCC. Việc phải phải hoàn thành trước 5/12/2016./.
Thái Linh