Thái Lan đã gửi công hàm tới Campuchia phản đối vụ việc một nhóm phụ nữ nước này hát quốc ca Campuchia tại Prasat Ta Muen Thom – ngôi đền nằm ở khu vực tranh chấp biên giới hai nước.

Một nhóm phụ nữ Campuchia đang hát quốc ca tại đền Prasat Ta Muen Thom ở miền đông Thái Lan – Ảnh: Matichon Online
Theo AFP, ngày 17-2 Thái Lan đã chính thức lên tiếng phản đối việc một nhóm phụ nữ Campuchia được quay phim đang hát quốc ca của nước này tại đền Prasat Ta Muen Thom – ngôi đền nằm ở khu vực tranh chấp biên giới nhạy cảm.
Đoạn clip được quay tại đền Prasat Ta Muen Thom ở miền đông Thái Lan, cho thấy một nhóm phụ nữ Campuchia mặc trang phục truyền thống hát quốc ca Campuchia, trong đó có câu “tất cả người Khmer đều vui vẻ hy sinh mạng sống khi đất nước có chiến tranh và đổ máu”.
Những người lính Thái Lan canh gác ngôi đền sau đó đã đưa những người phụ nữ ra khỏi ngôi đền này.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết ông “cảm thấy không thoải mái” với vụ việc và đã gửi công hàm phản đối tới Campuchia.
Phó thủ tướng lo ngại sẽ xảy ra một cuộc đụng độ quân sự đẫm máu tại khu vực này, như sự kiện nổ ra cách đây khoảng 15 năm giữa Thái Lan và Campuchia ở ngôi đền Preah Vihear nằm ở phía đông nước này.
“Chúng tôi lo ngại rằng lịch sử sẽ lặp lại”, ông Wechayachai trả lời các phóng viên.
Cuộc tranh chấp ở Preah Vihear đã khiến nhiều cuộc xung đột lẻ tẻ xảy ra, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng trước khi Tòa án Công lý quốc tế phán quyết khu vực tranh chấp này thuộc về Campuchia.
Lực lượng đặc nhiệm Suranaree của Thái Lan cảnh báo: “Những vụ việc như thế này có thể ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế giữa hai nước”.
Tổ hợp công trình đền Prasat Ta Muen Thom được xây dựng bởi Jayavarman VII – vua của Đế chế Khmer thống trị khu vực này từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13.
Hiện đền được xác định vị trí tại quận Phnom Dong Rak, tỉnh Surin, Thái Lan và được quân đội Thái Lan canh giữ, mặc dù khu vực đó vẫn chưa được phân định của nước nào.
Thái Lan cho phép người dân Campuchia đến thăm các di tích cổ đại này hằng ngày từ 9h sáng đến 3h chiều, nhưng cấm họ có bất kỳ cử chỉ nào ngụ ý rằng các di tích này thuộc về Campuchia.
Theo Tuoitre.vn