Sáng 5-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2024.

Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.

Sức ép lạm phát còn cao

Đánh giá chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chúng ta đã theo dõi sát, nắm chắc tình hình, xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh trong ngắn hạn, bảo đảm hài hòa với các nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Về kết quả kinh tế – xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình tiếp tục theo xu hướng tích cực, kết quả tháng 7 cao hơn tháng 6 và tính chung bảy tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, cảm ơn, biểu dương, đánh giá cao các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP đã nỗ lực, cố gắng, các cơ quan trong hệ thống chính trị đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu năm 2025 đưa vào vận hành 3.000 km cao tốcThủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ tình hình kinh tế – xã hội còn những khó khăn, thách thức. Trong đó, sức ép lạm phát còn cao, nhất là do giá dầu thô, lương thực biến động mạnh. Tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới còn nhiều rủi ro…

Tình hình sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; tiếp cận vốn tín dụng còn khó. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết.

Việc triển khai gói tín dụng 140.000 tỉ cho nhà ở xã hội rất chậm; vẫn còn 26.500 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ…

Nêu các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tự lực, tự cường, gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. Kèm theo đó là việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực…

Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo chung là tháng sau đạt kết quả cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thành quả năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023…

Có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 12 nội dung trọng tâm. Đáng chú ý, ông yêu cầu các trưởng ngành, địa phương bám sát tình hình, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng…

Ông yêu cầu làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả”, tăng cường giám sát, kiểm tra, triển khai thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tập trung giữ ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Về chính sách tài khoá, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý (giáo dục, y tế). “Kiên quyết không để thiếu, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Ông đề nghị nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip bán dẫn, AI…

Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Một nhiệm vụ quan trọng khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Các Bộ: GTVT, Công Thương, KH&ĐT, Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia (nhất là dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối, tổ chức khánh thành trong dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9); hệ thống đường bộ cao tốc (phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km).

thu-tuong-pham-minh-chinh-phan-dau-nam-2025-dua-vao-van-hanh-3-000-km-cao-toc-1.jpg

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương phân bổ 26.500 tỉ đồng vốn đầu tư công còn lại. Bộ KH&ĐT kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước 15-8 này.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để sửa đổi, bổ sung; báo cáo Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật…

Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, trong đó xử lý dứt điểm trong tháng 8-2024 đối với các vấn đề tồn đọng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng SCB, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án chuyển đổi số kết nối với Đề án 06 ngay trong tháng 8…

Việc Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư với số phiếu tuyệt đối khẳng định sự đoàn kết, thống nhất rất cao

Các báo cáo tại phiên họp cho thấy tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm đạt 13 kết quả nổi bật.

Đáng chú ý, việc Chủ tịch nước Tô Lâm được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư với số phiếu tuyệt đối 100% đã khẳng định sự đoàn kết, thống nhất rất cao…

Cạnh đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân bảy tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6, trong bối cảnh tăng lương cơ bản.

Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tổng ngân sách Nhà nước bảy tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87.200 tỉ đồng thuế, phí, lệ phí). Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.

Đặc biệt, đã triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội theo tiền lương mới từ ngày 1-7-2024. Tổng số kinh phí trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm hơn 5.300 tỉ đồng. Trong tháng 7, có gần 96% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ.

Việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ tháng 7 nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.

Chính phủ cũng đã tập trung xây dựng và đã cơ bản hoàn thành việc ban các nghị định hướng dẫn các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…

Theo Plo.vn

Từ khóa : 3000 km cao tốc đường bộnhà ở xã hộiPhân cấp phân quyềnThủ tướng Phạm Minh Chính

Các tin liên quan đến bài viết