Cuối năm 2023, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh đã nỗ lực hoàn thành các tiêu chí và về đích nông thôn mới (NTM). Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng khang trang, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.
KHÔNG CÒN THIẾU NƯỚC MÙA KHÔ
Trước đây, khu vực tổ 1, ấp Vẻ Vang, xã Lộc Phú thường thiếu nước về mùa khô. Khi các giếng nước đã cạn, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) phải đi lấy nước suối, bưng về dùng cho sinh hoạt. Dần dần nguồn nước cũng khô cạn, họ phải đi chở nước xa nhà. Có khi nhiều hộ sử dụng chung một giếng đào, nguồn nước không đủ dùng. Thấu hiểu khó khăn của người dân, năm 2022, xã đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung, gồm giếng khoan, nhà tắm. Từ khi có giếng khoan, nhiều hộ dân không còn nỗi lo thiếu nước sinh hoạt.
Nhờ có kênh thủy lợi, già làng Lâm Sông trồng được lúa trong mùa khô
Chị Thị Tách ở tổ 1, ấp Vẻ Vang cho biết: “Trước đây, người dân thường phải xuống bưng, suối lấy nước về dùng rất vất vả. Đến mùa khô, nhiều hộ phải đi chở nước từ xa về. Từ khi ấp được xây dựng công trình giếng khoan, nhà tắm, người dân thường đến tắm, lấy nước về dùng rất thuận tiện”.
Tại điểm trường ấp Bù Nồm Trường TH&THCS Lộc Phú thường thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. 2 năm nay, công trình cấp nước tập trung được xây dựng gần trường. Vào giờ ra chơi, các em học sinh kéo nhau ra điểm cấp nước tập trung để rửa mặt, vệ sinh cá nhân. Cô Bùi Thị Thu Hiền, giáo viên Trường TH&THCS Lộc Phú cho biết: “Mùa khô các giếng nước xung quanh đều cạn. Nhờ công trình cấp nước tập trung, đến nay cô và trò không phải đi xin nước của các hộ dân nữa”.
Xã Lộc Phú có 30% số dân là đồng bào DTTS, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã được bố trí vốn xây dựng 5 công trình cấp nước ở 5 ấp có đông đồng bào DTTS sinh sống. Mỗi công trình trị giá 300 triệu đồng. Sau khi hoàn thành, các công trình được giao cho Ban điều hành ấp quản lý, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân. Qua thời gian đưa vào sử dụng, các công trình đã phát huy hiệu quả. Mùa khô năm 2024 kéo dài, nhờ có công trình cấp nước tập trung nên nhiều hộ dân không còn thiếu nước sinh hoạt.
HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC
Xã Lộc Phú có diện tích trồng lúa hơn 90 ha, trong đó chỉ có khoảng 40 ha trồng lúa 2 vụ, diện tích còn lại thiếu nước tưới. Cuối năm 2023, xã được đầu tư xây dựng công trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Công trình có chiều dài hơn 1km, kéo dài tuyến kênh chính N1 và hệ thống kênh nhánh đi qua ấp Bù Nồm, tổng vốn đầu tư 2 tỷ đồng. Đầu năm 2024, công trình kênh thủy lợi hoàn thành đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho toàn bộ cánh đồng ấp Bù Nồm, giúp người dân trồng lúa từ 1 vụ lên 3 vụ/năm.
Già làng Lâm Sông ở ấp Bù Nồm phấn khởi: “Gia đình tôi canh tác 1,5 ha đất trồng lúa, mỗi năm chỉ làm 1 vụ, thu hoạch khoảng 7,5 tấn. Nhờ có nước kênh thủy lợi nên tôi đã gieo xạ lúa trong mùa khô để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”.
Ngoài đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng, xã còn tập trung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đường giao thông phục vụ vận chuyển hàng hóa, nông sản. Do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, việc thực hiện tiêu chí đường giao thông tương đối khó. Song, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân, nhiều tuyến giao thông đã hoàn thành. Đến cuối năm 2023, toàn xã đã xây dựng được 19km đường bê tông. Hệ thống đường thôn, ấp được cứng hóa, đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện đạt 75%. Hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 96%.
Trước đây, con đường đất tổ 2, ấp Vẻ Vang rất nhỏ hẹp, không thuận tiện cho các phương tiện lưu thông. Cuối năm 2023, xã vận động người dân hiến đất làm đường bê tông. Ông Phạm Văn Thưởng là người đầu tiên tình nguyện hiến đất, cưa hơn 30 cây cao su. Ngoài ra, ông còn đến từng nhà vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng sớm cho đơn vị thi công. Đến nay, con đường 600m đã hoàn thành, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông dễ dàng.
Ông Thưởng cho biết: “Mùa mưa, khu vực này rất lầy lội. Người dân vận chuyển nông sản qua con đường này thường bị trơn trượt, té ngã. Vì vậy, gia đình tôi đã cưa cây cao su, hiến đất mở rộng đường. Từ ngày có đường bê tông, diện mạo nông thôn sạch, đẹp. Mong rằng ngày càng có nhiều tuyến đường bê tông được xây dựng ở vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ người dân đi lại, phát triển kinh tế”.
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, xã Lộc Phú còn chú trọng công tác giảm nghèo. Thời gian qua, xã triển khai nhiều nguồn vốn, hỗ trợ cây – con giống, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho bà con nông dân. Từ đó, nhiều hộ nghèo, hộ DTTS đã được tiếp thêm sức mạnh, nguồn lực để phát triển kinh tế. Từ một xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, năm 2023, Lộc Phú đã giảm 63 hộ nghèo. Dự kiến cuối năm 2024, toàn xã sẽ không còn hộ nghèo.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Lộc Phú đã được đầu tư một số công trình công cộng, phục vụ đời sống dân sinh. Những công trình này đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Hiện xã Lộc Phú đã đạt 16/19 tiêu chí. Thời gian tới, xã tiếp tục giữ vững, nâng cao các tiêu chí đã đạt, đồng thời thực hiện các tiêu chí còn lại gồm: thu nhập, giao thông và trường học. Ông LÊ VĂN SÂM, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh |
Năm 2022-2023, xã Lộc Phú được đầu tư khoảng 150 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhiều công trình điện, đường giao thông, nhà văn hóa, trường học trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng.
Những kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, nhân dân xã Lộc Phú. Nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn trên địa bàn xã đã và đang đổi thay từng ngày.
Theo Báo Bình Phước