Loài cá chạch lấu ở Bình Phước hiện vẫn chưa có hộ nuôi, trong khi nguồn cá trong tự nhiên đã bị khai thác cạn kiệt. Trước thực trạng đó, Trung tâm thủy sản tỉnh Bình Phước đã nghiên cứu và bảo tồn thành công loài cá chạch lấu nhằm phục hồi nguồn gien để bổ sung vào các hồ chứa, các lưu vực sông suối cũng như mở ra hướng đi mới cho người dân trong tỉnh.
Theo Trung tâm thủy sản tỉnh Bình Phước, cá chạch lấu có tên khoa học Mastacembelus Armatus. Thân có màu xanh đậm hoặc đen xám và nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục khắp thân, vây lưng và vây hậu môn; vây ngực có một đốm đen nhỏ, không có vây bụng. Loài cá có kích thước lớn, dài đến 90cm và có trọng lượng từ 0,5 – 2kg. Cá chạch lấu thịt ngon, có thể chế biến thành nhiều món. So với các loại thủy sản khác, cá chạch lấu mang lại lợi nhuận rất cao và luôn hút hàng do được nhiều người ưa chuộng. Hiện trên thị trường cá giống chạch lấu nhỏ có giá khoảng 200.000 đồng/kg, còn cá thịt có giá từ 500.000-600.000 đồng/kg. Với giá cao như vậy, nhưng hiện nay nguồn cá này đang càng ngày khan hiếm. Trước thực tế đó, Trung tâm thủy sản tỉnh Bình Phước đã tiến hành nghiên cứu thuần dưỡng cá chạch lấu bố mẹ và thử nghiệm sinh sản nhân tạo.
Ông Nguyễn Tấn Phước – Phó giám đốc Trung tâm thủy sản Bình Phước cho biết, việc tìm ra kỹ thuật nuôi và cho cá sinh sản thành công không chỉ góp phần lưu giữ phục hồi nguồn gien bổ sung cá giống vào các hồ chứa, các lưu vực sông suối cũng như cung cấp nguồn cá giống cho người dân nuôi thương phẩm, từ đó giảm áp lực khai thác trong tự nhiên. Hiện Trung tâm đã thực hiện thành công khâu thuần dưỡng cá bố mẹ và đang tiến hành cho sinh sản nhân tạo.
![]() |
Việc cho sinh sản thành công cá chạch lấu giống sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân ở tỉnh Bình Phước |
Về kỹ thuật nuôi, cá bố mẹ đủ tiêu chuẩn được tiến hành tiêm một liều thuốc dẫn khoảng 24 giờ sau tiếp tục tiêm một liều sơ bộ. Kế đến, sau 6-8 giờ tiêm thêm một liều quyết định và khoảng 12 giờ thì cho cá sinh sản. Khi trứng đã rụng được đem đi ấp với thời gian từ 36-42 giờ thì trứng nở cá con.
“Cái khó trong quá trình cho cá chạch lấu sinh sản là phải canh đúng thời điểm lấy trứng để thụ tinh nhân tạo. Ngoài ra, thời tiết, nhiệt độ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sinh sản của cá. Thức ăn của cá chạch lấu chủ yếu các loại thịt động vật nên nước dễ bị ô nhiễm và phát sinh ký sinh trùng gây bệnh làm hao hụt nhiều. Do đó, trong quá trình ép phải cẩn thận theo dõi từng giai đoạn cho đến khi cá gần bằng ngón tay út thì mới an toàn. Hiện chúng tôi vẫn đang tích cực học hỏi đúc kết kinh nghiệm để đưa ra một quy trình chuẩn tiến tới cho cá sinh sản đại trà và tiến tới cung cấp cho thị trường” – ông Phước nói.
Nguồn: Tạp chí khoa học