Mã số vùng trồng chính là “tấm vé thông hành” để đưa nông sản huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) vươn xa, nâng cao giá trị, vị thế của ngành nông nghiệp địa phương. Để lợi thế này thực sự trở thành cơ hội đưa nông sản Ea Kar “xuất ngoại” là bài toán đòi hỏi địa phương và chính nông dân phải tìm câu trả lời.

“Hộ chiếu” cho nông sản

Những ngày này, vườn vải của gia đình ông Lê Văn Long (thôn 5, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đang tấp nập người thu hái, đóng gói, vận chuyển vì quả vải đã chín đỏ.

Trên bình diện chung của xã, vụ vải năm 2024, nông dân bị mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất giảm từ 30 – 50% so với mọi năm, nhưng vườn vải của nhà ông Long vẫn sai trĩu quả, ước đạt từ 100 – 120 tấn.

Ông Long càng phấn khởi hơn bởi năm nay giá bán quả vải cao hơn nhiều so với niên vụ 2023. Hiện tại, vải loại 1 đang được mua tại vườn với giá khoảng 50.000 đồng/kg.

Theo ông Long, chính việc tuân thủ quy trình chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng cho diện tích hơn 12 ha đã giúp vườn vải của gia đình phát triển ổn định.

Xã Ea Sar hiện có trên 360 ha vải. Nhiều hộ liền kề đã liên kết trồng vải, ứng dụng công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc.

Từ đó, hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo cánh đồng mẫu lớn để xây dựng mã số vùng trồng, liên kết theo chuỗi giá trị, tạo cơ hội đưa nông sản địa phương xuất ngoại.

Đến nay, toàn xã đã có 1 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã và 3 hộ được cấp 4 mã số vùng trồng cây vải, với tổng diện tích 47 ha và 1 mã số cây nhãn với diện tích 16 ha.

Tại sao nói gắn mã số vùng trồng ở Đắk Lắk để "xuất ngoại" nông sản, tìm câu trả lời từ nông dân?- Ảnh 1.

Vườn vải của gia đình ông Lê Văn Long (thôn 5, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) được quy hoạch bài bản, phát triển theo hướng bền vững.

Thực tế cho thấy, những hộ trồng, chăm sóc cây vải theo quy trình VietGAP và đã được cấp mã số vùng trồng thì vườn cây phát triển ổn định, bền vững hơn và giữ được sản lượng cao hơn những hộ khác.

Với lợi thế của vải chín sớm, các hộ trồng vải trên địa bàn xã Ea Sar không phải lo lắng về vấn đề tiêu thụ, bởi đã được các doanh nghiệp, thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua tại vườn. Phát huy vai trò kết nối, hằng năm, UBND xã Ea Sar đã tổ chức các hội nghị liên kết tiêu thụ vải có sự tham gia của “4 nhà”.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngân Anh (tỉnh Lào Cai) cho hay, khi vụ vải năm 2024 bắt đầu thu hoạch, ông đã đến xã Ea Sar và một số xã lân cận của huyện Ea Kar để khảo sát thực tế và dự kiến mua 300 tấn vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Công ty ưu tiên mua vải loại 1 với giá cao hơn thị trường khoảng 3.000 đồng/kg tại những vườn trồng theo quy trình VietGAP hoặc đã được cấp mã số vùng trồng.

Còn nhiều việc cần làm

Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân cần đáp ứng các tiêu chí đối với sản phẩm, như: sản xuất bảo đảm an toàn, kiểm soát sinh vật gây hại, ghi chép sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Nắm bắt những quy định đó, các ngành chức năng của huyện Ea Kar đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân tuân thủ quy trình chăm sóc, bảo đảm nông sản khi cung cấp ra thị trường đạt yêu cầu, đồng thời hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

Bà Ninh Thị Hoa, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Các mã số vùng trồng cần được sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, tránh tình trạng mua bán hoặc bỏ bê bởi phía Trung Quốc chỉ kiểm tra sau khi được gắn mã.

Vì vậy, việc liên kết chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường nhập khẩu là cơ sở quan trọng đưa nông sản huyện Ea Kar xuất ngoại”.

Nhờ vậy, đến nay huyện Ea Kar đã có bốn sản phẩm, gồm: vải thiều, nhãn hương chi, sầu riêng, khoai lang đã được gắn mã vùng trồng, với tổng diện tích trên 579 ha.

Đây là cơ sở cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản Ea Kar xuất khẩu.

Tuy nhiên, mã vùng trồng của các mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện Ea Kar chủ yếu mới được cấp năm 2023 và giá trị gia tăng từ việc được gắn mã vùng trồng đối với sản phẩm của nông dân chưa thể hiện rõ nét.

Chính vì vậy, để nông dân thực sự “mặn mà” với việc tuân thủ quy trình canh tác, làm cơ sở được cấp mã vùng trồng, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, các ngành, đơn vị chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra, đánh giá việc duy trì mã vùng trồng, nhắc nhở các chủ thể hướng đến sản xuất bền vững.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Ngọc Trịnh, mã vùng trồng là một trong những cơ sở để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm một cách bền vững nhằm đưa các mặt hàng nông sản thế mạnh của huyện Ea Kar xuất ngoại.

Để tận dụng lợi thế của mã vùng trồng, gia tăng giá trị cho các sản phẩm chủ lực thì yếu tố quan trọng là sự minh bạch giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong đó, nông dân cần minh bạch, tự giác tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thu hái, bảo quản sản phẩm đạt yêu cầu để sản phẩm khi xuất khẩu không bị “quay đầu”.

Theo Dân việt

Từ khóa : Gắn mã sốhuyện Ea Karmã số vùng trồngnông sảntỉnh Đăk Lăk

Các tin liên quan đến bài viết