Hơn 81% số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, phần lớn họ hoạt động dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT vừa công bố thông tin về “hiện tượng” doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 1/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, khoảng 53.900 doanh nghiệp, tăng trên 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, có gần 44.000/ 54.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là dưới hình thức tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn, số lượng này chiếm hơn 81,5%.
Theo Bộ KH&ĐT, trong gần 54.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 1, có hơn 81% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn, chủ yếu doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (Ảnh: PĐ).
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 1 năm 2024 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 19.611 doanh nghiệp (chiếm 44,6%)
Số doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 39.625 doanh nghiệp (chiếm 90,2%, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2023).
Về số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, cơ quan của Bộ KH&ĐT khẳng định tháng 1/2024 có gần 7.800 doanh nghiệp, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2023, các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 6.941 doanh nghiệp (chiếm 89,0%, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023).
Số doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể là 2.165 doanh nghiệp, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 10/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Theo cơ quan đăng ký kinh doanh quốc gia, phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 1 tháng năm 2024 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 1.587 doanh nghiệp (chiếm 73,3%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 1.879 doanh nghiệp (chiếm 86,8%, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023).
Về số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động, báo cáo của cơ quan Bộ KH&ĐT khẳng định, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1 năm 2024 là 13.799 doanh nghiệp, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 6/17 lĩnh vực, cụ thể: Kinh doanh bất động sản có 645 doanh nghiệp, tăng 29,3%; Thông tin và truyền thông có 355 doanh nghiệp, tăng 11,6%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.758 doanh nghiệp, tăng 6,9%.
Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 216 doanh nghiệp, tăng 5,9%, lĩnh vực sản xuất phân phối, điện, nước, gas có 260 doanh nghiệp, tăng 1,6%.
Các lĩnh vực ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm gồm: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, xây dựng có hơn 1.800 doanh nghiệp, suy giảm 2,2% so với cùng kỳ; lĩnh vực vận tải kho bãi có hơn 700 doanh nghiệp, giảm 3,6%.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng đầu tiên của năm 2024, trong đó có một loạt các chỉ số đáng chú ý như CPI, giá vàng, vốn đầu tư, tình hình doanh nghiệp…
Liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, số liệu của cơ quan Thống kê một lần nữa gây quan ngại khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, rút khỏi thị trường tăng rất mạnh.
Về số doanh nghiệp thành lập mới, tháng 1/2024, cả nước có 13.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 13.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong tháng 01/2024, có 43.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%; có 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 53.900 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2024 ước đạt 31.100 tỷ đồng, bằng 4,4% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 3,8% và tăng 5,6%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn FDI thực hiện tháng 1 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 01/2024 có 11 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 16,2 triệu USD, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo Dân việt