Đại sứ Hùng Ba nhận định Việt Nam và Trung Quốc có những lợi thế độc đáo để tăng kết nối chiến lược, đặc biệt là trong các dự án đường sắt.

“Chuyến thăm Việt Nam lần này của của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình là cơ hội rất quan trọng để lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng duy trì và tăng cường trao đổi chiến lược dưới tình hình mới”, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 10/12.

Đại sứ cho biết hai lãnh đạo dự kiến trao đổi về việc làm sâu sắc hơn nữa hợp tác Đối tác Chiến lược Toàn diện của hai nước, xác định rõ phương hướng phát triển của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong tình hình mới.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trong cuộc phỏng vấn ngày 10/12. Ảnh: Giang Huy

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trong cuộc phỏng vấn ngày 10/12. Ảnh: Giang Huy

Hai bên dự kiến ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh đảng, an ninh quốc phòng, hợp tác giữa cơ quan và địa phương liên quan, tư pháp, truyền thông, kết nối chiến lược phát triển, kinh tế thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi và hợp tác trên biển.

Đại sứ nhận định Việt Nam và Trung Quốc có nhiều ưu thế độc đáo, riêng có cần được phát huy để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kết nối chiến lược phát triển, như quy hoạch đẩy nhanh kết nối Sáng kiến Vành đai và Con đường với khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”.

Theo ông, Việt Nam thời gian tới sẽ có nhu cầu tăng cường kết nối và liên thông trên bộ, trên biển, trên không và trên Internet, cụ thể là hạ tầng đường bộ, vận tải biển, vận tải hàng không và thương mại điện tử. Trong số này, hạ tầng giao thông là lĩnh vực ưu tiên nhất và quan trọng nhất, đặc biệt là đường sắt và đường cao tốc.

“Việt Nam có vị trí địa lý độc đáo, là cầu nối quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN, là quốc gia quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc với các nước ASEAN”, đại sứ Hùng Ba đánh giá.

Các quốc gia trong khu vực đang triển khai kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á, gồm ba nhánh phía đông, phía tây và trung tâm. Nhánh phía đông của tuyến đường sắt xuyên Á, dự kiến đi qua Việt Nam, sẽ có nhu cầu lớn nhất và điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng.

“Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước chúng ta đều rất coi trọng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này”, ông Hùng Ba nói. “Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện dự án đường sắt Hà Khẩu, Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và chúng ta đã bước vào giai đoạn xây dựng báo cáo tiền khả thi”.

Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam hồi tháng 10 giao Ban Quản lý dự án Đường sắt lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, điện khí hóa, khởi công trước năm 2030.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dài khoảng 380 km, kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với đường sắt Trung Quốc tại Lào Cai, đảm bảo tàu có thể chạy thẳng vào hệ thống đường sắt Côn Minh – Hà Khẩu Bắc. Định hướng giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối từ Hải Phòng tới ga Cái Lân, Quảng Ninh.

“Phía Trung Quốc sẵn sàng dùng khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam thực hiện nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như đẩy nhanh quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng”, ông cho biết.

Tàu hàng liên vận Việt - Trung tại khu kiểm soát hải quan Lào Cai tháng 2/2020. Ảnh: Giang Huy

Tàu hàng liên vận Việt – Trung tại khu kiểm soát hải quan Lào Cai tháng 2/2020. Ảnh: Giang Huy

Đại sứ cho rằng các dự án nói trên khi hoàn thành sẽ góp phần tăng liên thông giữa Việt Nam và Trung Quốc, nâng cao hiệu suất vận chuyển hàng hóa, giải quyết tình trạng ùn tắc xe container tại cửa khẩu. Chúng cũng có thể giúp Việt Nam mở ra hành lang kinh tế từ Trung Quốc kết nối với khu vực Trung Á, thậm chí là châu Âu, rút ngắn khoảng cách đến Trung Á.

Trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, ông Hùng Ba cho hay Việt Nam và Trung Quốc là hai láng giềng gần gũi, có chế độ chính trị tương đồng, tạo cơ hội quan trọng và không gian phát triển cho nhau, qua đó bổ sung lẫn nhau về ưu thế kinh tế và góp phần xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định và bền vững.

“Trung Quốc và Việt Nam là nền kinh tế mới nổi và quốc gia đang phát triển nổi bật. Hai nước chúng ta đoàn kết và hợp tác có thể tạo thêm tính ổn định cho sự phát triển của khu vực và thế giới, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới”, Đại sứ cho biết.

Ông cho hay Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu một số loại mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam. Trong ba quý đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam 10 tháng đầu năm đạt 1,95 tỷ USD.

“Nhiều phái đoàn và du khách Trung Quốc sang Việt Nam gần đây đều nói với tôi rằng sầu riêng Việt Nam rất ngon, giá cả phù hợp và rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc”, Đại sứ kể. “Một nông sản khác của Việt Nam được người Trung Quốc ưa chuộng là dừa tươi. Tôi cho rằng dừa tươi là một thị trường rất lớn”.

Trong 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 3,7%, trong khi nhập siêu giảm 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN duy trì tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc cũng là một trong số ít quốc gia được Việt Nam duy trì xuất khẩu dương sang nước ngoài.

Đại sứ Hùng Ba cho rằng hợp tác kinh tế – xã hội của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tiềm năng lớn, nhưng không thể tránh khỏi tác động từ môi trường kinh tế bên ngoài, khi nhiều cuộc chiến tranh, xung đột đang xảy ra trên thế giới.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, diễn biến thay đổi nhanh chóng và khó lường, Đại sứ đánh giá chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tạo ra “phương hướng mới, triển vọng mới và động lực mới” cho quan hệ hai nước.

Theo ông, quan hệ song phương sẽ được phát triển dựa trên các lĩnh vực có “ưu thế thiên thời, địa lợi và nhân hòa độc đáo, riêng có” trong bối cảnh tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc “không ngừng củng cố và đi vào chiều sâu, nhu cầu hợp tác không ngừng mở rộng và nâng cấp”.

Ông Hùng Ba nhận định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là điều rất quan trọng đối với Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp và khó lường, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ tăng cường khả năng chống chịu của Việt Nam với bên ngoài.

“Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam”, ông nói. “Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tích cực tham gia quá trình này của Việt Nam, trong đó tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quan trọng như kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng. Tôi cho rằng hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực nêu trên có triển vọng rất lớn”.

Theo VnExpress

Từ khóa : quan hệ Việt - Trungtrung quocviệt nam

Các tin liên quan đến bài viết