Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo ‘nổ’ gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh. Cơ quan chức năng biết và thường xuyên cảnh báo, nhưng vì sao chúng cứ nhan nhản?

Quảng cáo thuốc chữa tiểu đường lồng ghép logo đài truyền hình lừa dối người tiêu dùng

Quảng cáo thuốc chữa tiểu đường lồng ghép logo đài truyền hình lừa dối người tiêu dùng

Quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng tinh vi

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thường xuyên phát cảnh báo về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo, nội dung quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.

Trên các website, các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm thực phẩm chức năng. Phổ biến nhất là các sản phẩm liên quan đến xương khớp, tăng cường sinh lý nam/nữ, điều trị ung thư, đái tháo đường…

Thậm chí, các quảng cáo này còn sử dụng hình ảnh, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ, quảng cáo kèm theo ý kiến phản hồi của bác sĩ, người tiêu dùng gây hiểu lầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Mới đây Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cảnh báo người dân về tình trạng mạo danh bác sĩ của bệnh viện để bán thực phẩm chức năng. Điển hình là sử dụng hình ảnh, thư tín mạo danh bệnh viện để bán sản phẩm cho người dân. Thậm chí có trường hợp làm giả các giấy tờ, bằng khen của bệnh viện để bán sản phẩm.

Bên cạnh đó không ít sản phẩm còn lồng ghép hình ảnh bác sĩ nổi tiếng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nhiều bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện đầu ngành khác như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Chợ Rẫy, Nhi đồng… cũng bị mạo danh để lừa bán thuốc điều trị tim mạch, đái tháo đường và thực phẩm chức năng.

Không chỉ tốn tiền, nhiều người bệnh sau khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng này đã bị ngộ độc, biến chứng… phải nhập viện cấp cứu, có người bị nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận, các bệnh lý nền diễn biến xấu hơn.

Tại sao khó xử lý quảng cáo “nổ”?

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho hay đơn vị thường xuyên nhận được phản ảnh về những sản phẩm vi phạm quảng cáo. Các vi phạm chủ yếu là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thái quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh.

Qua thanh tra, kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm còn phát hiện trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên bán thực phẩm chức năng trái phép, thậm chí thuê cả người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng.

Nhiều sản phẩm còn giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên thực tế việc xử phạt các vi phạm về quảng cáo này không dễ dàng.

“Khó khăn là khi lực lượng chức năng phát hiện những website, tên miền quảng cáo các sản phẩm này, khi làm việc với doanh nghiệp họ không thừa nhận đây là quảng cáo do công ty thực hiện.

Hiện nay với việc đăng tên miền với tư cách cá nhân, cho phép cấp tên miền ẩn danh nên khi phát hiện sai phạm, việc truy xuất rất khó khăn.

Hơn nữa, việc cho phép công ty phần mềm (không phải người trực tiếp sản xuất kinh doanh) đứng chủ tên miền, nên khi có những nội dung quảng cáo sai phạm, các công ty sản xuất kinh doanh thường chối không liên quan tới họ, họ không phải là người thực hiện các nội dung quảng cáo này”, đại diện Cục An toàn thực phẩm nêu.

Cục An toàn thực phẩm đã tổng hợp chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông để kiến nghị, đề xuất, trong trường hợp tìm ra đích danh công ty thực hiện quảng cáo sai phạm cần xử lý vi phạm.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cục an toàn thực phẩmthực phẩm chức năng

Các tin liên quan đến bài viết